Việt Nam nằm trong 1/3 quốc gia chưa tăng lương tối thiểu trong năm mới 2021
Việt Nam cũng thuộc top những quốc gia có tỷ lệ chi tiêu lương thực cơ bản so với lương tối thiểu lớn nhất trong 56 nước được khảo sát trong nghiên cứu của Picodi.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Picodi.com với 56 quốc gia có mức lương tối thiểu do chính phủ quy định, một phần ba trong số đó chưa quyết định tăng lương tối thiểu kể từ tháng 1/2021, bao gồm: Nigeria, Armenia, Pakistan, Azerbaijan, Việt Nam, Thái Lan, Peru, Malaysia, Montenegro, Hungary, Estonia, Slovenia, Hồng Kông, Hòa Kỳ, Israel.
Theo đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi tăng trưởng tiền lương tối thiểu bị "đóng băng". Cụ thể, từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, số tiền lương tối thiểu không tăng so với năm trước (3,710,000 đồng/tháng trung bình quân số học cho cả 4 miền đất nước).
Nhóm các quốc gia không tăng lương tối thiểu so với 2020. (Nguồn: Picodi.com)
Tuy nhiên mới đây, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 thay vì kiến nghị giữ ổn định, không tăng lương tối thiểu như Hội đồng tiền lương quốc gia đã đưa ra trước đó.
Dẫu vậy, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, đến tháng 7/2021, nên xem xét tình hình kinh tế xã hội để điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2022. Người lao động nên tạm nén nhu cầu để hoãn tăng lương trong năm 2021.
Cũng theo tính toán và khảo sát của Picodi, giá trị của giỏ hàng thực phẩm đầu năm 2021 là 2.279.300 đồng, đắt hơn 2,6% so với năm 2020. Giỏ gồm 8 nhóm sản phẩm: bánh mì, sữa, trứng, gạo, phô mai, thịt, trái cây và rau. Danh sách này khiêm tốn, nhưng số lượng sản phẩm trong đó có thể đáp ứng nhu cầu chất dinh dưỡng tối thiểu của một người trưởng thành bình thường.
Với mức lương tối thiểu đang dừng lại ở 3.710.000 đồng, chi tiêu cho lương thực cơ bản của người Việt đã chiếm 61,4% mức lương tối thiểu ròng. Điều này đồng nghĩa rằng tình hình của nhóm người có thu nhập thấp nhất đang xấu đi.
(Nguồn: Picodi.com)
Việt Nam cũng thuộc top những quốc gia có tỷ lệ chi tiêu lương thực cơ bản so với lương tối thiểu lớn nhất trong 56 nước được khảo sát. Trong khi đó, Anh, Úc và Ireland cung cấp mức lương thuận lợi nhất khi tỷ lệ giữa giỏ sản phẩm cơ bản và mức lương tối thiểu địa phương dao động từ 7% đến 7,6%. Trái lại, ở các nước như Uzbekistan hoặc Nigeria, mức lương tối thiểu thậm chí không cho phép để mua giỏ sản phẩm khiêm tốn đã được phân tích.
PVNgày 28/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.