Việt Nam nằm trong top 3 châu Á về xuất khẩu chip sang Mỹ

Đầu tư và Tiếp thị
05:31 PM 09/05/2023

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 7 tháng liên tiếp, Việt Nam chiếm hơn 10% số lượng chip mà Mỹ nhập khẩu, đứng thứ 3 châu Á (sau Malaysia và Đài Loan).

Theo báo cáo lĩnh vực công nghệ ICT của Việt Nam, do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tuần qua, Việt Nam đứng thứ ba về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia.

Việt Nam nằm trong top 3 châu Á về xuất khẩu chip sang Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong những năm trở lại đây Mỹ có chiến lược chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang nhóm đối tác được coi là đáng tin cậy bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Đến tháng 2 năm nay, nhập khẩu chip của Mỹ đã tăng 17% so với năm ngoái lên 4,86 tỷ USD, theo dữ liệu của US Census. Châu Á chiếm 83% trong số chip nhập khẩu này.

Theo đó, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2 năm nay, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại nước này.

Trong 10 thị trường nhập khẩu vào Mỹ nhiều nhất, Việt Nam là một trong sáu thị trường tăng trưởng dương từ tháng 2/2022 đến 2/2023, trong khi doanh thu từ Malaysia, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Philippines giảm.

Thời gian qua, ngành chip tại Việt Nam đạt nhiều thành tựu, bao gồm cả việc tự sản xuất chip hay gia tăng sản lượng trong các nhà máy lớn. IPV, nhà máy chip của Intel tại Việt Nam, đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022. Đơn vị này mất hơn 10 năm, từ 2010 đến 2020, để cho ra đời hai tỷ đơn vị sản phẩm đầu tiên, nhưng chỉ cần chưa tới hai năm tiếp theo để tăng con số lên 3,5 tỷ sản phẩm vào cuối 2022.

Việt Nam hiện có 20 công ty làm việc trong lĩnh vực IC Design với khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế. Việt Nam có thể đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn trên bình diện toàn cầu.

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), để đảm bảo chuỗi cung ứng chip, Mỹ chọn Việt Nam cùng một số nước ở khu vực châu Á để đặt nhà máy sản xuất trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, chính việc thay đổi chiến lược chuỗi cung chip đã giúp Việt Nam hưởng lợi thu hút dòng vốn liên quan đến lĩnh vực này. Nhờ sự đầu tư bài bản cùng các chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp FDI từ Chính phủ, Việt Nam ngày càng được xem là điểm đến hấp dẫn cho việc sản xuất chip của các tập đoàn đa quốc gia.

Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới nếu tận dụng tốt yếu tố thuận lợi, có chiến lược phù hợp, chính sách khuyến khích, ưu đãi lớn cho lĩnh vực này.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.