Việt Nam nêu 5 đề xuất ứng phó khủng hoảng lương thực toàn cầu
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới - Davos 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái đã nêu 5 đề xuất của Việt Nam nhằm ứng phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Mở đầu phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá, thế giới đang trong giai đoạn “khủng hoảng chồng khủng hoảng”, khi tác động kép của đại dịch COVID-19 và biến động địa chính trị tại một số quốc gia đã có những tác động lớn chưa từng có đến giá cả hàng hoá và chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hơn 800 triệu người trên toàn thế giới.
Là một quốc gia mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu, từ một nước trong quá khứ thường xuyên bị đe doạ bởi việc thiếu hụt lương thực, từ nhiều năm qua Việt Nam không chỉ đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực cho quốc gia mà còn trở thành một quốc gia xuất khẩu quan trọng, đóng góp lớn vào an ninh lương thực toàn cầu.
Do đó, trên cơ sở những kinh nghiệm được đúc kết từ quá trình phát triển nông nghiệp của Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Việt Nam mang đến Diễn đàn Kinh tế thế giới – Davos 2022 một gói 5 đề xuất, giải pháp nhằm ứng phó với nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Một là, cần có cách tiếp cận tổng thể, đa mục tiêu, hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu tự cường, bao trùm và bền vững. Vấn đề cấp bách là hỗ trợ nhân đạo các nước thiếu lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản. Còn về dài hạn, phải xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bao trùm và bền vững.
Hai là, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy vai trò của tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu. Trong đó cần bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thông suốt, loại bỏ hàng rào thương mại đối với lương thực, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển, thúc đẩy mô hình hợp tác ba bên mà Việt Nam triển khai hiệu quả với các nước châu Phi và châu Mỹ La-tinh.
Ba là, đề cao cách tiếp cận toàn dân, bảo đảm quá trình chuyển đổi sản xuất lương thực công bằng, tính đến lợi ích của các nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế.
Bốn là, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp có sự tham gia và phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan.
Năm là, đổi mới tư duy, kiến tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và sản xuất lương thực, nhất là ứng dụng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tự tin cho rằng, với kinh nghiệm và thế mạnh của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến vào kỷ nguyên nông nghiệp mới nhờ 3 trụ cột là “nông nghiệp sinh thái, nhà nông thông minh, nông thôn hiện đại”, đồng thời đề nghị các đối tác quốc tế gia tăng hợp tác biến Việt Nam thành trung tâm đổi mới sáng tạo về nông nghiệp của khu vực Đông Nam Á.
HM (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.