Việt Nam ngồi trên "kho báu" 5,6 tỷ m3: Tập đoàn triệu tỷ vừa có hành động chiến lược

Quốc tế
04:23 PM 28/07/2025

"Kho báu" này đóng vai trò rất lớn đối với an ninh năng lượng và chuyển đổi xanh.

"Kho báu" 5,6 tỷ m3 đó chính là Mỏ Nam Du - U Minh.

Mỏ khí tự nhiên Nam Du - U Minh là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Jadestone Energy (JSE) ngày 24/7/2025.

Ông Lê Ngọc Sơn - Tổng giám đốc Petrovietnam nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn khí tự nhiên nội địa trong bối cảnh ngành năng lượng toàn cầu đang chuyển đổi xanh mạnh mẽ. Tập đoàn cam kết tối ưu hóa các mỏ hiện có và đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển các nguồn khí mới để đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội.

Việt Nam ngồi trên "kho báu" 5,6 tỷ m3: Tập đoàn triệu tỷ vừa có hành động chiến lược- Ảnh 1.

Ông Lê Ngọc Sơn (trái) tiếp ông Thomas Mitchell Little ngày 24/7. Ảnh: Petrovietnam

Mỏ Nam Du – U Minh đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này, và Petrovietnam mong muốn hợp tác chặt chẽ với Jadestone Energy để hoàn thiện các thỏa thuận, hướng tới khai thác dòng khí đầu tiên trong thời gian sớm nhất.

Ông Thomas Mitchell Little, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Jadestone Energy tin tưởng vào tiềm năng hợp tác giữa hai bên, đồng thời cho biết Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng mà JSE hướng đến trong thời gian tới.

Theo Petrovietnam - Tập đoàn có doanh thu vượt mốc 1 triệu tỷ đồng năm 2024, thì Mỏ Nam Du – U Minh bao gồm hai mỏ khí Nam Du, Lô 46/07; và U Minh, Lô 51 nằm ở rìa phía đông của lưu vực Malay - Thổ Chu, ngoài khơi Việt Nam.

Mỏ Nam Du – U Minh ước tính sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 5,6 tỷ mét khối khí trong giai đoạn bình ổn cho khu vực Tây Nam Bộ.

Vì sao ngành năng lượng toàn cầu chuyển đổi xanh?

Ngành năng lượng toàn cầu đang trải qua một cuộc chuyển đổi xanh mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhu cầu giảm phát thải carbon, ứng phó biến đổi khí hậu, và đáp ứng các mục tiêu bền vững.

Đứng trước bài toán biến đổi khí hậu, thế giới đang chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo một cách nhanh chóng. Các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, và thủy điện đang tăng trưởng rất nhanh.

Việt Nam ngồi trên "kho báu" 5,6 tỷ m3: Tập đoàn triệu tỷ vừa có hành động chiến lược- Ảnh 2.

Ảnh minh họa về mỏ khí đốt ngoài khơi. Nguồn: Aker BP

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo chiếm khoảng 30% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2024 và dự kiến đạt 50% vào năm 2030 nếu các chính sách hiện tại được duy trì.

Trong khi đó, nhiều quốc gia đặt mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 hoặc sớm hơn, dẫn đến việc giảm phụ thuộc vào than đá và dầu mỏ, đồng thời tăng đầu tư vào năng lượng sạch.

Giữa bức tranh ấy, khí đốt tự nhiên được coi là “nhiên liệu chuyển tiếp” vì phát thải carbon thấp hơn so với than đá và dầu mỏ; đồng thời cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy để thay thế các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm hơn trong giai đoạn chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Khí đốt tự nhiên là một dạng năng lượng hóa thạch, sạch hơn so với các loại nhiên liệu truyền thống như than đá hay dầu mỏ. Nó chủ yếu là methane (CH4), có tỷ lệ carbon trên hydro thấp hơn so với than đá (chủ yếu là carbon) hoặc dầu mỏ (hỗn hợp hydrocarbon phức tạp).

Khi đốt cháy, khí đốt tự nhiên tạo ra ít CO2/khí độc hại hơn trên mỗi đơn vị năng lượng được sản xuất.

Việt Nam ngồi trên "kho báu" 5,6 tỷ m3: Tập đoàn triệu tỷ vừa có hành động chiến lược- Ảnh 3.

Ngoài ra, khí đốt tự nhiên tạo ra ít khí thải độc hại hơn, như sulfur dioxide (SO2), nitrogen oxides (NOₓ), và bụi mịn (PM2.5), so với than đá và dầu mỏ.

Dự án khí đốt, như mỏ Nam Du – U Minh mà Petrovietnam và Jadestone Energy hợp tác, là một ví dụ điển hình về nỗ lực của Petrovietnam trong việc khai thác khí đốt nội địa để đảm bảo an ninh năng lượng và hỗ trợ chuyển đổi xanh.

Khí đốt từ các mỏ này có thể thay thế than đá trong sản xuất điện, giảm phát thải carbon và hỗ trợ các mục tiêu bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Trang Ly
Ý kiến của bạn