Việt Nam nhập khẩu gần 2,75 tỷ USD dược phẩm trong 8 tháng

Xuất nhập khẩu
08:44 AM 11/10/2024

Dù sản xuất trong nước đáp ứng 60% nhu cầu nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu gần 2,75 tỷ USD dược phẩm trong 8 tháng năm 2024.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm tháng 8/2024 đạt 349,63 triệu USD, giảm 10,9% so với tháng 7/2024 nhưng tăng 18,7% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng năm 2024 nhập khẩu dược phẩm đạt gần 2,75 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam nhập khẩu gần 2,75 tỷ USD dược phẩm trong 8 tháng- Ảnh 1.

Việt Nam nhập khẩu dược phẩm chủ yếu từ các thị trường lớn như Pháp, Mỹ, Đức, và Ấn Độ.

Cụ thể, Pháp là thị trường cung cấp nhiều nhất, với kim ngạch đạt 365,21 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 13,3% tổng kim ngạch nhập khẩu dược phẩm của cả nước.

Mỹ đứng thứ hai với 294,31 triệu USD, tăng 17,7%, chiếm 10,7% tỷ trọng. Tiếp theo là Đức, với 241,87 triệu USD, tăng 19,2%, chiếm 8,8% tỷ trọng, và Ấn Độ, đạt 220,78 triệu USD, tăng mạnh 36,4%, chiếm 8% tỷ trọng.

Nhập khẩu từ thị trường Italia cũng tăng mạnh 43%, đạt 189,28 triệu USD, chiếm 6,9% tỷ trọng. Trong khi đó, nhập khẩu từ Ireland đạt 133,165 triệu USD, tăng 36,02%, chiếm 4,85% tỷ trọng.

Nhìn chung, nhập khẩu dược phẩm từ hầu hết các thị trường trong 8 tháng năm 2024 đều tăng về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Y tế cho biết, ngành dược đã nỗ lực lớn, sản xuất trong nước hiện đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thuốc phục vụ phòng và chữa bệnh. Chất lượng thuốc ngày càng cao, mẫu mã đẹp và giá thành rẻ hơn thuốc ngoại.

Hiện cả nước có hơn 62.000 cơ sở bán lẻ, hơn 5.000 cơ sở bán buôn, cùng 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP và 17 nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của ngành dược trong việc nâng cao nhận thức người dân về sử dụng thuốc nội, qua đó tăng tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

Tuy nhiên, để giảm giá trị nhập khẩu dược phẩm, thúc đẩy sản xuất ngành dược trong nước phát triển, Bộ Y tế, Việt Nam đang chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất thuốc mới, đẩy mạnh phát triển dược lâm sàng, tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý... hướng tới trở thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo y tế mới trong khu vực.

Trong Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến 2023 và tầm nhìn đến năm 2045 đang chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, tiếp nhận chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN.

Đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước...


Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7% Tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế tiếp tục khẳng định sự phục hồi rõ nét, các địa phương động lực dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.