Việt Nam nhập khẩu hơn 3,8 tỷ USD thuốc trong năm 2024
Theo số liệu của Bộ Y tế, trong năm 2024, Bộ đã nhập khẩu thuốc với giá trị hơn 3,8 tỷ USD. Trong khi giá trị xuất khẩu thuốc chỉ khoảng 280 triệu USD…
Trong báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2024, ở lĩnh vực dược, Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có 238 cơ sở sản xuất của 205 đơn vị đạt tiêu chuẩn GMP, trong đó có 162 nhà máy tân dược, 7 nhà máy sản xuất vaccine, 15 nhà máy sản xuất sinh phẩm, 8 nhà máy sản xuất nguyên liệu tân dược, 93 nhà máy đông dược, 55 nhà máy sản xuất nguyên liệu đông dược; có 18 nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP, 4 nhà máy đạt tiêu chuẩn PIC/s.
Bộ Y tế đánh giá trong năm 2024, về cơ bản đảm bảo đầy đủ, kịp thời nguồn cung thuốc cho nhu cầu điều trị của nhân dân. Chủ động đảm bảo nguồn cung đối với một số thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế, như thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ, thuốc phòng chống bệnh sởi. Liên hệ chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới để được viện trợ thuốc giải độc tố Clostridium Botulinum, thuốc kháng độc tố bạch hầu.
Trong năm 2024, Bộ đã xử lý 1.334 hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, giá trị nhập khẩu là 3,867 tỷ USD; 6.861 hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu nguyên liệu, bao bì, vỏ nang, giá trị nhập khẩu là 427 triệu USD. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu thuốc khoảng 280 triệu USD.
Tại hội nghị Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70% về số lượng, nhưng chỉ chiếm khoảng 46,3% giá trị tiêu thụ. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất thuốc chủ yếu phải nhập khẩu. Công nghiệp dược vẫn tập trung vào sản xuất thuốc generic, chưa chú trọng vào thuốc công nghệ cao hay thuốc phát minh. Hơn 200 doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thuốc generic (thuốc thế hệ hai).
Ngoài ra, năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine cũng đang gặp nhiều hạn chế. Sản phẩm được chuyển giao phần lớn vẫn là các sinh phẩm thông thường, chưa bao gồm nhiều sản phẩm đột phá hay các công nghệ tiên tiến như mRNA, công nghệ tái tổ hợp, hoặc các dạng bào chế công nghệ cao.
Nguyên nhân, theo ông Hùng là do hạn chế về nguồn lực như thiếu vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu và sản xuất còn hạn chế. Thủ tục hành chính còn phức tạp như các quy định pháp luật liên quan đến đăng ký, cấp phép còn nhiều bất cập, chưa thuận lợi cho doanh nghiệp. Môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, các chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao công nghệ...
Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu phát triển ngành dược trở thành trung tâm sản xuất chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN. Đến năm 2030, phấn đấu thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng và 70% giá trị thị trường, tiếp nhận chuyển giao công nghệ ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm.
Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, cho rằng nước ta hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu nâng tầm y tế và trở thành trung tâm khoa học, đổi mới trong khu vực. Trong đó, cần tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư thông qua các chính sách rõ ràng, mang tính dự báo, bền vững. Điều này tạo động lực cho các công ty ưu tiên đưa các liệu pháp tiên tiến nhất đến Việt Nam sớm hơn cũng như sẵn sàng đầu tư dài hạn.
An Mai (t/h)Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.