Việt Nam nhập khoảng 90% lượng hạt điều xuất khẩu của Campuchia

Xuất nhập khẩu
10:42 AM 29/01/2025

Việt Nam là thị trường xuất khẩu điều thô lớn nhất của Campuchia, chiếm khoảng 90% lượng hạt điều xuất khẩu của quốc gia này trong năm qua, tiếp đến là xuất khẩu tới Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo báo cáo của Hiệp hội hạt điều Campuchia (CAC), trong năm 2024, Campuchia đã xuất khẩu được 815.000 tấn hạt điều, với trị giá 1,15 tỷ USD, lần lượt tăng 24% về lượng và tăng 31% về trị giá so với năm 2023. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường xuất khẩu điều thô lớn nhất của Campuchia, khi chiếm khoảng 90% sản lượng hạt điều xuất khẩu của nước này trong năm 2024. Sau Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu điều thô lớn tiếp theo của Campuchia.

Năm 2024, trong khi ngành điều Việt Nam tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân, Campuchia vươn lên trở thành quốc gia sản xuất hạt điều thô lớn thứ hai trên thế giới.

Việt Nam nhập khoảng 90% lượng hạt điều xuất khẩu của Campuchia- Ảnh 1.

Việt Nam tăng nhập khẩu điều từ Campuchia. Ảnh: Internet

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024, ước xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 730.000 tấn, trị giá 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023. Đây là kỷ lục mới của ngành điều Việt Nam. Đặc biệt, giá bình quân của xuất khẩu hạt điều của nước ta đạt khoảng 6.003 USD/tấn trong năm 2024, tăng 6,1% so với năm trước.

Đặc biệt, trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới (đây là năm thứ 18 liên tiếp) và chiếm trên 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của toàn cầu. Hạt điều nhân của nước ta hiện đã có mặt trên những kệ hàng của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm. Hiện nay, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam có xu hướng tăng tại các thị trường truyền thống và tiềm năng như Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, hạt điều của nước ta cũng được xuất khẩu sang nhiều thị trường như Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha...

Dù xuất khẩu hạt điều của nước ta tăng mạnh trong năm 2024, nhưng vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Nguyên nhân là do thực tế nguồn nguyên liệu nội địa hiện nay phục vụ cho sản xuất chế biến chỉ đáp ứng một phần nhỏ. Ước tính, ngành phải chi hơn 3,2 tỷ USD để nhập nguyên liệu trong năm 2024.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, nhiều năm qua, Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu, nhưng vị thế đó đang bị lung lay và chắc chắn sẽ mất nếu không kịp thời thay đổi. Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu, chủ yếu là các nhà máy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam, khiến các nhà máy nhỏ và vừa của nước ta bị phá sản, tiến tới chiếm lĩnh thị trường điều nhân thế giới. Đây là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước.

Do đó, doanh nghiệp điều Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến sâu để nâng dần tỷ trọng trong chuỗi giá trị ngành điều thế giới. Cùng với đó, xây dựng được vùng nguyên liệu, bởi không có nguồn nguyên liệu ổn định, ngành hàng rất khó để phát triển bền vững.

Trong những năm tới, dự báo ngành điều trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng do tác động của xu hướng ưa chuộng về chế độ ăn thuần chay và thực vật. Đây sẽ là một cơ hội tốt để ngành điều của Việt Nam bứt tốc hơn nữa.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn