Việt Nam nhập siêu 1,35 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6

Đầu tư và Tiếp thị
06:10 PM 22/06/2021

Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2021 (từ ngày 1/6 đến ngày 15/62021) đạt 25,95 tỷ USD, giảm 9,5% (tương ứng giảm 2,74 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 5/2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,3 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,65 tỷ USD. Như vậy, nửa đầu tháng 6 Việt Nam đã nhập siêu 1,35 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/6/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 143,36 tỷ USD, tăng 29,7% tương ứng tăng 32,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch đạt 145,32 tỷ USD, tăng 36,4% (tương ứng tăng 38,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 6/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/6/2021 đạt 288,68 tỷ USD, tăng 33%, tương ứng tăng 71,55 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 200,18 tỷ USD, tăng 37,2% (tương ứng tăng tới 54,28 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 88,5 tỷ USD, tăng 24,2% (tương ứng tăng 17,27 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam nhập siêu 1,35 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặc biệt, trong kỳ 1 tháng 6 năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,35 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,95 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong thời gian qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày hiện đã có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí quý IV năm nay... nên nhập khẩu tăng là tất yếu.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích chỉ chiếm khoảng gần 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Do vậy, cán cân thương mại thâm hụt không phải do gia tăng nhập khẩu các mặt hàng không được khuyến khích.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại. Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp, trong đó tập trung tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn