Việt Nam nhập siêu hơn 1 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2021 (từ ngày 1/4 đến ngày 15/4/2021) đạt 26,61 tỷ USD, giảm 15,8% so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 03/2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,65 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,96 tỷ USD. Như vậy, nửa đầu tháng 4 Việt Nam đã nhập siêu 1,31 tỷ USD.
Về nhập khẩu, 2 nhóm hàng nhập khẩu với kim ngạch lên tới hơn 2 tỷ USD là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,82 tỷ USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 2 tỷ USD.
Về xuất khẩu, một số nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,836 tỷ USD; điện thoại các loại & linh kiện đạt 1,82 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,451 tỷ USD; hàng dệt may 1,2 tỷ USD; giày dép các loại 851 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/4/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 91 tỷ USD (đạt 90,992 tỷ USD) tăng 26,8% so với cùng kỳ 2020. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch đạt 89,5 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, từ đầu năm đến 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 180,5 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong kỳ 1 tháng 4 đạt 126,7 tỷ USD. Trong kỳ 1 tháng 4/2021, cán cân thương mại cả nước thâm hụt 1,31 tỷ USD, đưa mức thặng dư lũy kế từ đầu năm đến hết 15/4 giảm xuống còn 1,48 tỷ USD từ mức 2,79 tỷ cuối tháng 3/2021. Nguyên nhân chính dẫn đến cán cân thương mại thâm hụt trong kỳ 1 tháng 4 là từ khối doanh nghiệp trong nước khi khu vực này nhập siêu tới 1,71 tỷ USD còn khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn xuất siêu 406 triệu USD.
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu trong năm 2021, trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, kể cả dịch bệnh có thể thuyên giảm thì tác động của COVID-19 vẫn sẽ còn lâu dài, ít nhất trong một vài năm nữa. Yếu tố thị trường có thể cũng chưa trở lại, các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố này và cũng không thể chủ quan mà vẫn phải tiếp tục sử dụng các công cụ mà chúng đã phát triển tốt hơn, ví dụ như sử dụng các kênh tiếp thị trên môi trường số. Mấu chốt trong năm 2021 là phải nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại để kịp thời khắc phục, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa mạnh mẽ, bền vững hơn.
Huyền My (TH)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.