Việt Nam phòng dịch COVID-19 thế nào để không bùng phát trở lại?
Người dân cần tuân thủ phòng dịch trong điều kiện "bình thường mới" như đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi có nguy cơ, rửa tay, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế...
Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới đây, cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới.
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 mới đây nêu rõ: Trong thời gian qua, Việt Nam đã có thành công lớn, đáng được trân trọng trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã gần 2 tháng qua cả nước không còn ca bệnh trong cộng đồng, phần lớn các ca bệnh đã được điều trị khỏi, các ca bệnh nặng cũng có tiến triển tốt về sức khỏe.
Đây là kết quả rất đáng mừng, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thắng lợi này rất cần được tổng kết, biểu dương, khen thưởng, đồng thời rút ra những bài học để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian tới đây, cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới với các quan điểm phát triển chủ yếu sau.
Thứ nhất, bảo đảm môi trường an toàn để phát triển và phát triển bền vững trong điều kiện bình thường mới. Trong phát triển phải xem xét, nghiên cứu tình hình thế giới, liên hệ điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đã hội nhập rất sâu rộng.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 77-TB/TW ngày 5/6/2020 là khai thác tối đa thị trường trong nước. Phải thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội. Từng bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong các hoạt động như giải ngân đầu tư công, phát triển kinh tế số...
Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất trong tương lai gần để hội nhập, xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, không chỉ là nhằm các mục tiêu phát triển kinh tế mà còn vì các mục tiêu chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là với các đối tác quan trọng, các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thứ tư, tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; thực hiện biện pháp cách ly phù hợp đối với người nhập cảnh, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Thứ năm, tạo điều kiện và thực hiện một cách nhân văn việc nhập cảnh của các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, công dân Việt Nam, nhưng phải bảo đảm không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.
Thứ sáu, thực hiện tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, chú ý bảo đảm việc làm, hỗ trợ đối với người nghèo, không để bất cứ người dân nào bị đói, đứt bữa, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bình luận về vấn đề dịch bệnh tại Việt Nam có thể bùng phát trở lại hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, việc tái bùng phát dịch ở Bắc Kinh là bài học cho Việt Nam.
Cụ thể, sau gần 2 tháng không có ca nhiễm mới ở cộng đồng, chỉ trong vài ngày trở lại đây, Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phát hiện hàng chục ca nhiễm bệnh trong cộng đồng khiến nhiều khu vực bị phong tỏa trở lại.
Dịch bệnh ở Bắc Kinh gần giống với Việt Nam trong thời gian qua, không bùng phát mạnh như Vũ Hán, mà xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch nhỏ và đã dập được ngay. "Trong tình hình mới, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch, để Việt Nam không tái bùng dịch như Bắc Kinh", ông Phu nói.
Ông Phu nhận định, thực tế một số nơi có dấu hiệu chủ quan, thờ ơ với dịch, còn người dân thì chủ quan không còn đeo khẩu trang nơi có nguy cơ, không thực hiện rửa tay sát khuẩn. Cần phải tiếp tục phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng nếu có bằng cách tăng cường giám sát, đặc biệt là những ca có triệu chứng như sốt, ho, khó thở... Khi phát hiện được cần khoanh vùng ngay, tránh lây lan.
Từ thực tế đó, ông Phu khuyến cáo, người dân cần tuân thủ phòng dịch trong điều kiện "bình thường mới" như đeo khẩu trang nơi công cộng và nơi có nguy cơ, rửa tay, rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế... để tránh dịch bệnh lây lan mạnh như Trung Quốc.
Trước đó, ngày 15/6, tranh luận với ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân về đề xuất mở cửa nhập cảnh dần cho các nước hết dịch công bố theo 3 tiêu chí, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, cần hết sức cẩn trọng vì chúng ta vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát dịch.
Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 đang treo lơ lửng trên đầu các nước, trong đó có chúng ta. Các nhà đầu tư cũng lo lắng chúng ta chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần với thực trạng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.
Do đó, theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, chúng ta cần tiến hành các biện pháp thẩm định nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không để bùng phát dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần dựa vào các nhà khoa học trong ngành y tham vấn để khẳng định sự an toàn dịch bệnh ở Việt Nam.
Hằng ThyCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.