Việt Nam quyết liệt tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế
Thời hậu COVID-19 cũng đang mở ra một số cơ hội nhưng điểm then chốt là vẫn phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
TS. Vũ Tiến Lộc, ĐBQH tỉnh Thái Bình, Chủ tịch VCCI.
Thế giới đang trong cơn đại dịch COVID-19. Dịch bệnh là khách quan, nhưng tâm thế và và cách thức mà mỗi quốc gia ứng phó với dịch bệnh tạo nên sự khác biệt. Trải qua hơn 170 ngày đêm “đánh giặc”, cho đến nay có thể khẳng định chúng ta đã kiểm soát tốt, thậm chí rất tốt dịch bệnh COVID-19.
Mặc dù, tại một vài thời điểm, ở một số địa phương, có những biện pháp được áp dụng có thể hơi quá mức cần thiết. Nhưng về tổng thể, tất cả ứng xử của chúng ta đều nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn phát triển kinh tế- xã hội.
Lại một lần nữa trong hoàn cảnh khó khăn, vũ khí “bách chiến bách thắng” của cách mạng Việt Nam là “cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân ra trận, Đảng lãnh đạo, Quốc hội đồng lòng, Chính phủ điều hành và Mặt trận chung tay” đã giúp chúng ta làm nên chiến thắng được cả thế giới ghi nhận.
Việt Nam xứng đáng có được tấm “huy chương Vàng” đầu tiên ở cấp độ toàn cầu trong lĩnh vực phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Dù vậy, tấm “huy chương Vàng” quý giá nhất vẫn là niềm tin của Nhân dân vào Đảng vào Nhà nước và chế độ của chúng ta.
Không giống như cuộc chiến chống “giặc COVID-19”, cuộc chiến chống “giặc tụt hậu” trong hành trình tái khởi động, phục hồi và phát triển nền kinh tế đang đòi hỏi những kỹ năng và nỗ lực gấp bội lần.
Mặc dù, đồng tình với phương án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng khoảng 4,5%, nhưng tôi chưa thật yên tâm vì các giải pháp của Chính phủ đưa ra dường như vẫn chưa đủ mạnh để có thể đạt được mục tiêu này.
Ngoài chủ trương thúc đẩy đầu tư công, các chính sách tài khoá khác có vẻ vẫn còn dè dặt khi chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc giãn, hoãn thời hạn nộp thuế, phí cho doanh nghiệp.
Trong khi tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, thì việc tại kỳ họp này Quốc hội quyết định cắt giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cũng không có thêm ý nghĩa.
Tôi thiết nghĩ, với mức nợ công hiện tại là 56% GDP, chúng ta vẫn còn dư địa để thực hiện các biện pháp giãn, hoãn cắt, giảm thuế với liều lượng mạnh hơn trong thời gian tới. Ví dụ, có thể kéo dài hơn thời hạn giãn, hoãn các khoản thuế, phí phải nộp tới 12 tháng, thay vì chỉ 3 hay 6 tháng .
Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã rất thành công trong việc giảm mức nợ công. Và bây giờ là thời điểm chúng ta có thể sử dụng chính sách tài khóa ngược chu kỳ để đối phó với dịch bệnh, tức là giảm nợ công trong giai đoạn kinh tế phát triển thuận lợi để tăng nợ công trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn. Nghệ thuật của việc điều hành chính sách tài khoá luôn là như vậy.
Việt Nam đã thành công trong kiểm soát COVID-19.
Chính sách tiền tệ thì có vẻ mạnh mẽ hơn, chúng tôi đánh giá cao việc NHNN đã tiên phong trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp, đã kịp thời hai lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành trong những tháng đầu năm.
Nhưng tác động của chính sách này đến lãi suất thị trường, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn vẫn chưa thực sự rõ nét. Việc cơ cấu lại nợ về thời hạn và lãi suất cho các doanh nghiệp, mới chỉ giúp “cầm máu”, mà chưa giúp “chữa lành được vết thương “hay tạo ra được động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.
Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính sớm nghiên cứu ban hành một gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong các ngành như du lịch, hàng không... Tất nhiên, gói này cần có giới hạn phù hợp để ngăn ngừa lạm phát có nguy cơ quay trở lại
Trong khi dự kiến mục tiêu tăng trưởng khoảng 4,5% là khá cao so với dự báo của các tổ chức quốc tế, nhưng Chính phủ dường như lại có phần lơi lỏng mục tiêu kiềm chế lạm phát khi điều chỉnh mục tiêu lạm phát “dưới 4%” thành “khoảng 4%”.
Mặc dù rất chia sẻ với quan điểm thận trọng của Chính phủ, nhưng tôi đề nghị trong điều hành, Chính phủ sẽ phấn đấu để đạt được mức lạm phát dưới 4%. Điều này rất quan trọng, vì đó là cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện uy tín và tầm nhìn của Chính phủ trong dài hạn là điểm neo giữ của niềm tin để người dân và các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh. Chúng ta không nên để suy giảm niềm tin đó.
Dù còn rất nhiều thách thức, nhưng tôi nhận thấy có nhiều cơ hội và công cụ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Giá thịt lợn dù vẫn còn neo ở mức cao, nhưng như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo với Quốc hội, nếu không có những diễn biến bất thường thì đến quý 4 này, với nỗ lực tái đàn của bà con nông dân, đàn lợn sẽ khôi phục lại mức sản lượng tiềm năng trước mùa đại dịch.
Hậu COVID-19 đang mở ra cơ hội cho Việt Nam từ việc dịch chuyển các làn sóng đầu tư.
Còn giá xăng dầu trong những tháng đầu năm, đã giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo và trong thời gian tới và nếu liên bộ Tài chính - Công thương xả quỹ bình ổn giá xăng dầu thì tác động cộng hưởng những yếu tố này giúp mục tiêu lạm phát “dưới 4%” vẫn có thể trở thành hiện thực.
Bên cạnh những thách thức, thời hậu COVID-19 cũng đang mở ra một số cơ hội mà chúng ta cần nắm bắt, nhất là cơ hội từ việc dịch chuyển các làn sóng đầu tư. Chính phủ dự định lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy công việc này, theo tôi đây là điều cần thiết.
Tuy nhiên, điểm then chốt là vẫn phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Về việc này, trong khoảng 2,5 năm kể từ đầu nhiệm kỳ này, cải cách thể chế đã được triển khai khá mạnh mẽ với nhiều khí thế. Nhưng từ hơn một năm nay, đà cải cách đang có phần chững lại, nhiều mục tiêu cải cách hướng tới mục tiêu nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN đang trở thành lỡ hẹn.
Do đó, tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế đang là yêu cầu bức thiết. Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ hệ trọng này.
TS.VŨ TIẾN LỘC - ĐBQH tỉnh Thái Bình, Chủ tịch VCCI
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.