Việt Nam sẵn sàng đón nhà đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Tọa đàm “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội vào sáng 7/12.
Đoàn đại biểu Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ gồm lãnh đạo Hiệp hội và 7 doanh nghiệp thành viên là những "ông lớn" trong ngành bán dẫn toàn cầu đã có mặt tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư phát triển ngành bán dẫn.
Đại diện các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới đều cho rằng, Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn và hiện được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.
Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai nội dung hợp tác phát triển ngành bán dẫn, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón nhận dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Cụ thể, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Việt Nam tiếp tục hoàn thiện cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư thông qua các ban quản lý khu công nghệ cao (KCNC), khu công nghiệp, khu kinh tế tại các địa phương. Vừa qua, Ban Quản lý KCNC Hòa Lạc cũng được kiện toàn tổ chức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thu hút và quản lý đầu tư.
Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), và mới đây đã khánh thành cơ sở NIC tại KCNC Hòa Lạc, đủ sức đón nhận các dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn. 3 KCNC tại TP.HCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.
Về vấn đề cung ứng điện cho phát triển, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về các công trình trọng điểm ngành năng lượng với mục tiêu cung cấp điện ổn định, bền vững phục vụ các dự án đầu tư, đặc biệt là dự án công nghệ cao và ngành bán dẫn. Đồng thời, chuẩn bị đủ mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, KCNC… nhằm tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh của các dự án.
Về bài toán nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo, giao Bộ KH&ĐT xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực đến năm 2030, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.
Thông tin thêm về việc chuẩn bị nguồn nhân lực, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, số lượng sinh viên theo học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) chiếm 33% và tăng khoảng 10% trong 3 năm qua. Việt Nam có thế mạnh trong đào tạo toán và hóa học…
Minh An (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.