Việt Nam sẵn sàng trở thành ‘cứ điểm’ sản xuất quan trọng của thế giới
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành "cứ điểm" sản xuất quan trọng của thế giới. Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Đà phục hồi ngày càng rõ nét khiến nhà đầu tư tin tưởng
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ đầu năm đến nay, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam là 10,8 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm là 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ.
"Kết quả này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh và các giải pháp, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Với môi trường chính trị ổn định và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, quý I/2022, GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 4,7% của quý I/2021 và mức 3,7% của quý I/2020, cho thấy đà phục hồi kinh tế đã trở nên rõ nét hơn.
Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu trở thành điểm sáng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục có đóng góp quan trọng khi khu vực này đạt tổng trị giá xuất nhập khẩu 168,37 tỷ USD, tăng gần 15%.
Thêm vào đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA tiếp tục đóng vai trò là động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động giao thương của Việt Nam với quốc tế nói riêng trong giai đoạn sau dịch.
Đáng chú ý, việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của thế giới tăng cao sẽ càng tăng cường vị thế của Việt Nam - một điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất, một phần của chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.
Chuẩn bị điều kiện cần thiết, sẵn sàng đón làn sóng chuyển dịch đầu tư mới
Dù có nhiều cơ hội nhưng cuộc cạnh tranh thu hút FDI cũng đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực trong bối cảnh hoạt động đầu tư vẫn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch, cũng như những căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng Duy Đông cho rằng, Việt Nam cần tập trung thực hiện biện pháp phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ và các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao.
Ngoài ra, sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử, đặc biệt là sự gia tăng đột biến của hình thái giao thương hiện đại này trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về bất động sản kho bãi, dịch vụ logistics… Trong bối cảnh đó, cần có thêm những chính sách, cơ chế để ngành công nghiệp hậu cần và kho bãi trở thành một cấu phần quan trọng của ngành bất động sản công nghiệp.
"Nước ta đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường", đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT khẳng định.
Từng bước hoàn thiện các khu công nghiệp theo chuẩn quốc tế
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, các khu công nghiệp, khu kinh tế đang được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng với chất lượng quốc tế. Việc nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành tại một số địa phương cũng đang được triển khai nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000 hecta đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Từ năm 2015 đến nay, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc và một số tổ chức quốc tế khác thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi không gian phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu. Tại các khu công nghiệp sinh thái, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp./.
Minh NgọcTheo Trung tâm Dự báo và Phân tích Kinh tế Độc lập (CEBR), với tốc độ phát triển nhanh, dự báo quy mô GDP của Việt Nam sẽ sớm vượt Singapore. Đặc biệt, năm 2025 có thể đánh dấu cột mốc Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.