Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á

Đầu tư và Tiếp thị
09:54 AM 17/01/2023

Google, Temasek và Bain&Co dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025 với mức tăng trưởng trung bình 31%.

Theo báo cáo từ Google, Temasek và Bain&Co (e-Conomy SEA 2022) ước tính kinh tế số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD trong năm 2022 và cao thứ 3 trong khu vực (sau Indonesia: 77 tỷ USD và Thái Lan: 33 tỷ USD). Theo tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến thì Việt Nam xếp thứ 2 với 49%, chỉ đứng sau Singapore (53%), cao hơn Indonesia và Malaysia.

Báo cáo này dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh trong khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025. Theo đó, kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn 2022-2025. Trong đó, thương mại điện tử tăng từ 5 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo có thể đạt 32 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng là 37%.

Dự báo kinh tế số Việt Nam mạnh nhất khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1.

Phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ảnh minh họa.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng các doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng số đạt hơn 30%, vượt so với kế hoạch đặt ra là 30%. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP trong năm 2022 ước tính là hơn 14%, trong khi năm 2021 ước đạt hơn 12%; Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 70 nghìn doanh nghiệp, tăng gần 6,2 nghìn doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,7 doanh nghiệp trên 1 nghìn dân.

Hòa cùng xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xem đây là bước “bứt phá” trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, xem đây là tiền đề, động lực quan trọng để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Nghị quyết 01 của Chính phủ xác định năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới". Sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Xây dựng và phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn - an ninh thông tin, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã.

Hầu hết các nước cải thiện tốt mức độ tiến bộ về chuyển đổi số đều đặt ra những mục tiêu tham vọng và xây dựng các chương trình toàn diện để đạt được mục tiêu đó. Việt Nam với mục tiêu có nền nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 

Mục tiêu và tham vọng chúng ta đã có, việc còn lại hành động như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2022 của Bộ TT&TT rằng, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số, năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số, năm 2022 là tổng tiến công về chuyển đổi số còn năm 2023 sẽ là năm chuyển đổi số đem lại những giá trị thực chất.

Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.