Việt Nam sẽ lựa chọn loại vaccine Covid-19 nào cho trẻ em?

Sức khỏe
09:46 AM 16/10/2021

Những chuyên gia cố vấn chiến lược của WHO đánh giá vaccine Pfizer phù hợp cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Ngoài ra, vaccine Abdala và một vaccine khác cũng của Cuba đã được cấp phép khẩn cấp tại nước này. Vậy Việt Nam sẽ lựa chọn loại vaccine nào trong chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em?

Một số loại vaccine Covid-19 dành cho trẻ em được các nước sử dụng

Nhiều loại vaccine Covid-19 với công nghệ khác nhau (vaccine mRNA, vaccine bất hoạt...) đang được sử dụng cho trẻ em ở các quốc gia trên khắp thế giới. Một số loại vaccine phòng Covid-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em.

Những chuyên gia cố vấn chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá vaccine Pfizer phù hợp cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vaccine có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.

Vào tháng 5, các nước châu Âu đã thực hiện những chính sách tiêm ngừa khác nhau sau khi Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi.

Vào cuối tháng 9, sau khi Chính phủ chấp nhận khuyến nghị của Giám đốc Y tế Vương quốc Anh, tại đây đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho gần 3 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 15 tuổi và đủ điều kiện tiêm một liều vaccine Pfizer.

Cũng trong tháng 9, 66% người từ 12 tới 17 tuổi ở Pháp đã tiêm 1 mũi, 52% đã tiêm đủ 2 mũi. Tất cả thanh thiếu niên phải xuất trình giấy khám sức khỏe hoặc giấy chứng nhận sức khỏe, để làm bằng chứng cho việc tiêm chủng, hay xét nghiệm Covid-19 âm tính nếu muốn vào những nơi công cộng như rạp chiếu phim và viện bảo tàng.

Ở Đức, trong tháng 6, các cố vấn khoa học của nước này khuyến cáo chỉ nên tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi có bệnh nền. Tuy nhiên, vào tháng 8, sau khi biến thể Delta bắt đầu lan tràn, việc triển khai được mở rộng cho tất cả những người trên 12 tuổi.

Hiện tại, việc tiêm phòng cho trẻ em ở Đức sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của cha mẹ, cũng như cần kiểm tra y tế trước tiêm.

Trong tháng 6, Đan Mạch cho biết họ sẽ cung cấp các mũi tiêm Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi để tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng. Tới tháng 9, nước này đã tiêm cho hầu hết trẻ em ít nhất một liều.

Hungary cũng bắt đầu tiêm vaccine cho thanh thiếu niên từ 16 - 18 tuổi vào giữa tháng 5. Vaccine Pfizer là vaccine duy nhất được chấp thuận.

Tây Ban Nha có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi vào khoảng hai tuần trước khi năm học bắt đầu vào tháng 9.

Còn ở Na Uy, việc triển khai vaccine đã được mở rộng cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi, nhưng sẽ chỉ cung cấp liều đầu tiên. Quyết định về liều thứ hai sẽ được đưa ra sau đó.

Vào ngày 31/5, Ý đã thông qua việc sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ 12-15 tuổi. Từ ngày 16/8, nhóm trẻ em tại nước này được ưu tiên tiêm chủng mà không cần đặt lịch hẹn trước.

Tại châu Mỹ, vào tháng 5, các cơ quan quản lý của Mỹ và Canada phê duyệt vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi, trong bối cảnh gia tăng ca mắc Covid-19 do biến thể Delta. Việc triển khai đã bắt đầu tại các địa điểm trên khắp nước Mỹ với hai mũi tiêm cách nhau ba tuần.

Đến cuối tháng 7, 42% thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm liều đầu tiên và 32% đã tiêm liều thứ hai vaccine Pfizer hoặc Moderna.

Tại các nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh vaccine Pfizer và Moderna, vaccine Sinovac cũng được sử dụng phổ biến.

Ngày 28/6, Indonesia khuyến cáo tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

Vào tháng 8, Campuchia cũng bắt đầu triển khai tiêm chủng Covid-19 cho thanh thiếu niên ở thủ đô Phnom Penh và ba tỉnh.

Còn tại Trung Quốc, vào tháng 6 quốc gia này đã chấp thuận sử dụng khẩn cấp vaccine của Sinovac cho những người từ 3 - 17 tuổi.

Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 80% dân số 1,4 tỷ người vào cuối năm nay. Chỉ tiêu này sẽ không thể đạt được nếu không có sự tham gia của lượng lớn người dưới 18 tuổi.

Ở Philippines, vaccine Pfizer và Moderna đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ vị thành niên từ 12 tuổi vào tháng 6 và tháng 9 năm ngoái. Chỉ những người thuộc nhóm tuổi đó và có các bệnh lý tiềm ẩn mới có thể được tiêm chủng tại các khu vực thí điểm ở Metro Manila. Tuy nhiên, từ 15/10 trẻ em trên 12 tuổi đều đủ điều kiện để tiêm.

Vào ngày 21/6, cơ quan quản lý dược phẩm của New Zealand đã tạm thời chấp thuận việc sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ 12-15 tuổi.

Trong khi đó, Cuba tiến hành tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên bằng vaccine Soberana sản xuất trong nước.

Việt Nam sẽ sử dụng loại vaccine nào cho trẻ em?

Ngày 14/10, Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Trong các loại vaccine được cấp phép tại Việt Nam đến nay, có vaccine Pfizer được nhà sản xuất hướng dẫn tiêm cho trẻ.

Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vaccine có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi.

Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, với vaccine Pfizer, liều tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang được hoàn thiện hồ sơ và dự kiến sẽ thấp hơn so với liều tiêm cho người lớn.

Nhiều nước hiện tại chỉ dùng vaccine Pfizer cho trẻ. Sắp tới có thể có vaccine Abdala và một vaccine khác cũng của Cuba đã được cấp phép khẩn cấp tại nước này. Tuy nhiên, Việt Nam chưa phê duyệt những vaccine này cho trẻ em.

Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi sẽ thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.

Loại vaccine sử dụng là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine.

Ánh Nguyệt
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.