Việt Nam sẽ tăng mức độ thịnh vượng 125% trong 10 năm tới

Diễn đàn
08:48 AM 22/02/2024

Việt Nam sẽ có mức tăng mạnh nhất về sự thịnh vượng lên tới 125% trong thập niên tới, khi củng cố được vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu.

Theo báo cáo của New World Wealth (công ty phân tích sự thịnh vượng trên toàn cầu), mức tăng 125% về độ thịnh vượng sẽ là mức gia tăng tài sản lớn nhất của Việt Nam so với bất kỳ quốc gia nào khi xét về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người và số lượng triệu phú.

Việt Nam sẽ tăng mức độ thịnh vượng 125% trong 10 năm tới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chuyên gia Amoils nhận định: "Việt Nam là trung tâm sản xuất ngày càng được ưa thích đối với các tập đoàn đa quốc gia về công nghệ, ôtô, điện tử, quần áo và dệt may. Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú USD và 58 cá nhân có tài sản trị giá hàng trăm triệu USD. Việt Nam cũng được coi là quốc gia an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này giúp các công ty có thêm động lực để thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam".

 Tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam chậm lại ở mức 5,05% so với mức tăng 8,02% vào năm 2022, chủ yếu là do nhu cầu toàn cầu suy giảm và đầu tư công bị đình trệ. Sản xuất chiếm 1/4 GDP của nước này. Nhưng nhìn lại chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2.190 USD. 10 năm sau, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 4.100 USD, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Tổ chức VinaCapital Group nhận định: “Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi”. Các khoản đầu tư nước ngoài đều là "tiền đầu tư dài hạn", tạo ra việc làm tốt với mức lương xứng đáng và giúp hàng triệu người Việt Nam cải thiện chất lượng cuộc sống.

Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam đến từ quá trình công nghiệp hóa lấy xuất khẩu làm trọng tâm, được thúc đẩy bởi 3 làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 3 thập kỷ qua, và đất nước vẫn đang đứng trước làn sóng thứ tư.

Theo chuyên gia của Maybank, có thể còn nhiều việc phải làm để tối đa hóa tác động lan tỏa năng suất từ FDI, thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty nước ngoài và các đối tác trong nước.

Để Việt Nam đạt được kết quả chuyển đổi như mong muốn, việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang tăng trưởng dựa vào năng suất có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Lực lượng lao động của đất nước sẽ cần được đào tạo nhiều hơn để giải quyết nhu cầu của các hoạt động sản xuất phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng.

Dù vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam đang phải đối mặt với một số rào cản kìm hãm tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo đó, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài cũng có thể tác động đến nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường phát triển, từ đó có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. 

Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt qua những thách thức trong tương lai. 

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn