Việt Nam tăng 2 bậc xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024
Tối 26/9 (giờ Việt Nam), tại Thụy Sĩ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2024 - GII) năm 2024. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023.
Theo Báo cáo GII 2024, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo (ĐMST) tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào ĐMST gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra ĐMST tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra ĐMST gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).
Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 39. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là: Trung Quốc (xếp hạng 11), Malaysia (xếp hạng 33), Thổ Nhĩ Kỳ (xếp hạng 37), Bulgari (xếp hạng 38), và Thái Lan (xếp hạng 41). Còn lại tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Việt Nam được WIPO ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam). Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST. Điểm số các trụ cột của Việt Nam cao hơn các quốc gia ở nhóm thu nhập trung bình thấp và thậm chí còn cao hơn nhóm thu nhập trung bình cao, ngoại trừ trụ cột 2 về nguồn nhân lực và nghiên cứu.
Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo (tính trên tổng giao dịch thương mại). Đây là lần đầu tiên chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đạt vị trí dẫn đầu thế giới.
Các chỉ số nổi bật khác bao gồm: Tốc độ tăng năng suất lao động (hạng 3), Số lượng ứng dụng điện thoại thông minh (hạng 7), và Phần chi nghiên cứu và phát triển do doanh nghiệp trang trải (hạng 9).
Ngoài ra, trong các chỉ số khác, Việt Nam cũng đạt nhiều tiến bộ. Như về cơ sở hạ tầng, Việt Nam xếp hạng 56, tăng 14 bậc so với năm 2023.
Về trình độ phát triển của thị trường, Việt Nam xếp hạng 43, tăng 6 bậc. Trong khi đó, Chỉ số Số thương vụ đầu tư mạo hiểm đã tăng 10 bậc.
Về trình độ phát triển của doanh nghiệp, Việt Nam xếp hạng 46, với chỉ số Nhập khẩu công nghệ cao giữ vị trí dẫn đầu thế giới. Ngoài ra, Việt Nam xếp hạng 44 ở hạng mục Đầu ra sản phẩm tri thức và công nghệ. Trong đó, chỉ số Xuất khẩu công nghệ cao đứng đầu thế giới.
Về đầu ra ĐMST, sản phẩm sáng tạo, Việt Nam tăng 2 bậc, từ thứ hạng 36 năm 2023 lên 34. Trong đó, nhóm chỉ số sản phẩm và dịch vụ sáng tạo là điểm sáng khi thứ hạng tăng mạnh 11 bậc, từ hạng 29 năm 2023 lên 18. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có một số chỉ số chưa cải thiện hoặc ở thứ hạng thấp, như chất lượng quy định pháp luật và một số chỉ số trong giáo dục đại học. Nhóm chỉ số hạ tầng ICT và các chỉ số về năng lượng, môi trường sinh thái cần tiếp tục cải thiện.
Qua 17 lần công bố, báo cáo GII giúp đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia và sự phát triển so với các nền kinh tế trong cùng khu vực hoặc nhóm thu nhập. Qua các chỉ số, mỗi quốc gia thấy được bức tranh toàn cảnh cũng như các điểm mạnh, điểm yếu từ đó có điều chỉnh về chiến lược chính sách kinh tế và đổi mới sáng tạo. Để xếp hạng các quốc gia sẽ dựa vào 81 chỉ số, tính bằng giá trị trung bình thuộc hai bảng chỉ số phụ đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 7 trụ cột: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.
Huyền My (t/h)Với 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.