Việt Nam tăng 4 bậc trong báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới 2023

Diễn đàn
10:57 AM 21/09/2023

Việt Nam xếp thứ 106 trong số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng trong bộ chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới (Economic Freedom of the World Index) năm 2021 (năm gần đây nhất có dữ liệu toàn diện), theo báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới 2023 do Viện Fraser của Canada công bố.

Báo cáo Tự do kinh tế thế giới đo lường quyền tự do kinh tế của các cá nhân - khả năng tự đưa ra các quyết định kinh tế của mình - bằng cách phân tích các chính sách và thể chế của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Báo cáo này được Viện Fraser công bố hàng năm với sự hợp tác của Mạng lưới Tự do kinh tế - một nhóm các viện nghiên cứu, giáo dục độc lập ở gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Báo cáo Chỉ số Global go to think tank của Đại học Pennsylvania nhiều lần đánh giá Viện Fraser (Fraser Institute) là một trong những tổ chức nghiên cứu, phân tích xuất sắc không thuộc Mỹ ở khu vực Bắc Mỹ.

Báo cáo năm 2023 dựa trên dữ liệu từ năm 2021 hoặc năm ngoái trong trường hợp có số liệu thống kê có thể so sánh được giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với thứ hạng 106, Việt Nam đã tăng được 4 bậc so với xếp hạng năm 2020, mức tăng tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á khác. Báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới 2023 của Viện Fraser xếp hạng chỉ số tự do kinh tế của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam tăng 4 bậc trong báo cáo Tự do Kinh tế Thế giới 2023 - Ảnh 1.

So với xếp hạng năm 2020, Việt Nam ghi nhận tăng điểm ở bốn trong năm chỉ số thành phần chính của chỉ số tự do kinh tế (thang điểm từ 1 đến 10, trong đó giá trị cao hơn cho thấy mức độ tự do kinh tế cao hơn).

Thứ nhất: Quy mô chính phủ (xếp thứ 83): là chỉ số thành phần duy nhất giảm điểm nhẹ từ 6,56 xuống 6,53.

Thứ hai: Hệ thống pháp luật và quyền tài sản (xếp thứ 77): tăng từ 4,96 lên 5,15. Đây là năm đầu tiên, điểm số của chỉ số thành phần này của Việt Nam tăng trên 5 điểm.

Thứ ba: Đồng tiền tốt (xếp thứ 128): tăng từ 6,96 lên 7,02. Đây tiếp tục là chỉ số mà Việt Nam có thứ hạng thấp nhất, chủ yếu liên quan đến việc Việt Nam hạn chế quyền sở hữu ngoại hối trong thanh toán.

Thứ tư: Tự do thương mại quốc tế (xếp thứ 98): tăng từ 6,4 lên 6,52.

Thứ năm: Quy định về tín dụng, lao động và kinh doanh (xếp thứ 103): tăng từ 6,08 lên 6,10.

Bình luận về xếp hạng này, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế xã hội (MASSEI - thuộc mạng lưới của Fraser) cho rằng, việc Việt Nam có xu hướng tăng hạng vững chắc từ năm 2015 đến nay phản ánh nỗ lực của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập quốc tế.

"Đây có thể là bằng chứng tốt để khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã vận hành về cơ bản theo cơ chế thị trường", ông nhìn nhận. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn cần nỗ lực để tiếp tục đạt được thứ hạng cao hơn.

Trong bảng xếp hạng, khu vực Đông Nam Á có Singapore xếp thứ nhất (tăng 1 bậc); Malaysia xếp thứ 56 (giảm 3 bậc); Thái Lan xếp thứ 64 (tăng 8 bậc); Philippines xếp thứ 70 (giảm 3 bậc); Indonesia xếp thứ 74 (tăng 1 bậc); Campuchia xếp thứ 78 (giảm 3 bậc); Lào xếp thứ 107 (tăng 1 bậc).

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.