Việt Nam tăng 48 bậc, đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19

Diễn đàn
05:17 PM 06/06/2022

Nhờ các kết quả kiểm soát dịch bệnh, bao phủ vaccine và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19. Theo Nikkei Asia (Nhật Bản), Việt Nam đã nỗ lực nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời duy trì số ca mắc mới ở mức thấp.

Cả Việt Nam và Philippines đều ở vị trí cuối trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi COVID-19 năm 2021 trước khi có sự cải thiện vượt bậc trong năm nay. Nhưng theo dữ liệu của tháng 5, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí 14 trong bảng xếp hạng 121 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Sự cải thiện lớn nhất là ở nội dung tính nghiêm ngặt trong quy định, sau khi Việt Nam cho phép sinh viên trở lại trường đại học và doanh nghiệp mở cửa trở lại. Nikkei Asia lưu ý, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á miễn tất cả các quy định về xét nghiệm, tiêm chủng và cách ly cho khách du lịch nước ngoài.

Việt Nam tăng 48 bậc, đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19 - Ảnh 1.

Du khách tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: AFP

Trong bài viết về việc thăng hạng của Việt Nam trong Chỉ số Phục hồi COVID-19 công bố ngày 3/6, Nikkei Asia chỉ ra, với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ và 60% được tiêm liều nhắc lại, Việt Nam nhận được 27/30 điểm về khả năng tiêm chủng. Vaccine COVID-19 được triển khai ở Việt Nam tính đến ngày 8/5 gồm 46% là vaccine mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất, 28% là vaccine vector virus của AstraZeneca và 23% là vaccine thông thường từ nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ Y tế Việt Nam cho biết đủ liều vaccine COVID-19 để tiêm liều thứ 3 và thứ 4 cho những người đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên.

Tương tự như Việt Nam, Philippines tăng 40 bậc trong bảng xếp hạng, lên vị trí thứ 33 nhờ lây nhiễm COVID-19 giảm. Số ca COVID-19 hằng ngày ở nước ngày giảm xuống dưới 200 ca trong tuần qua, không có ca tử vong nào được ghi nhận. 

Theo chỉ số mà Nikkei Asia vừa công bố, đứng đầu bảng xếp hạng là Qatar, còn Campuchia và Hàn Quốc lần lượt dẫn đầu các quốc gia châu Á khi ở vị trí thứ 2 và 8 trong Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei. Cả Campuchia và Hàn Quốc đều đang triển khai sống chung với virus và có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Trung Quốc tăng một bậc lên vị trí thứ 93. Điểm số về tính di động của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục 4,5/30, thấp nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác do Trung Quốc vẫn đang triển khai các biện pháp hạn chế để ngăn chặn bùng phát dịch bệnh. 

Chỉ số phục hồi COVID-19 sẽ đánh giá các quốc gia, vùng lãnh thổ về khả năng ứng phó dịch bệnh, triển khai tiêm vắc-xin và tính di chuyển trong xã hội. Đặc trưng của chỉ số này là tỉ lệ lây nhiễm và tử vong thấp, mức độ tiêm chủng tốt hơn và ít hạn chế đi lại. Vị trí xếp hạng càng cao cho thấy quốc gia, vùng lãnh thổ càng tiến gần sự phục hồi.

Tuy nhiên, Nikkei Asia lưu ý rằng tiêu chí xét nghiệm không còn được tính đến trong bảng xếp hạng tháng 5 do không có đủ dữ liệu để có sự so sánh công bằng, nhất là khi một số nước thay đổi các hướng dẫn liên quan.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.