Việt Nam tăng cường hợp tác, nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua Việt Nam đã chủ động tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy và triển khai có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu tại “cảnh báo thẻ vàng” về khai thác IUU, qua đó đạt được những kết quả nổi bật.
Từ ngày 10-18/10, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra kết quả triển khai khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đây là lần thứ tư EC đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị về chống đánh bắt IUU, nhằm đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Đồng loạt vào cuộc gỡ "thẻ vàng" IUU
Với sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, hướng đến mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hội nhập quốc tế và trước mắt là gỡ thẻ vàng của EC, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc để xây dựng và triển khai một kế hoạch đồng bộ với các giải pháp cụ thể trong toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân, hiệp hội và doanh nghiệp thủy sản.
Ở cấp Trung ương, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành Văn bản số 81-CV/TW ngày 20/3/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách tại địa phương. Bên cạnh đó, Lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với Lãnh đạo cấp cao của Liên minh Châu Âu về cam kết, nỗ lực, quyết tâm về chống khai thác IUU.
Nhằm đẩy mạnh thực hiện các khuyến nghị của EC, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, chủ trì các cuộc họp trực tuyến với các Ban, Bộ, Ngành Trung ương có liên quan và địa phương và chỉ đạo trực tiếp đến cấp xã/phường/thị trấn, huyện/quận/thị xã có biển của 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương.
Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về IUU) ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và thường xuyên tổ chức các cuộc họp, các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn địa phương thực hiện và chuẩn bị nội dung, kế hoạch tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 đảm bảo đạt kết quả tốt nhất; tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 81/QĐ-TTg về kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Bộ Quốc phòng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để cảnh báo, ngăn chặn tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…
Tại 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU của tỉnh, ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị, cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả chống khai thác IUU, như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), bố trí nguồn lực tại cảng cá để kiểm soát sản lượng khai thác thủy sản cập cảng (cả khai thác trong nước và nhập khẩu); tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, để tàu cá địa phương tiếp tục vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 265/CĐ-TTg…
Thêm vào đó, công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn về chống khai thác IUU được đẩy mạnh từ Trung ương đến địa phương với nhiều hình thức đa dạng nhằm tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm khai thác IUU, trong đó có sự tham gia tích cực của các Hội, Hiệp hội thủy sản, cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân.
Nhiều kết quả tích cực
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện các quy định của pháp luật gắn với khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng.
Về khung pháp lý, Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ để nội luật hóa các quy định của EC về chống khai thác IUU và Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thủy sản vào tháng 11/2017.
Đến năm 2019 khung pháp lý cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU. Hiện nay, đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tiễn nghề cá Việt Nam và quy định quốc tế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ ba.
Về quản lý đội tàu, theo khuyến nghị của EC cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác. Bộ NN&PTNT đã tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các địa phương rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá, cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase
Đến nay đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017.
Kết quả rà soát đến tháng 12/2022, cả nước có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên (giảm 9.789 chiếc so với năm 2019), trong đó có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15m (giảm 1.206 chiếc so với năm 2019).
Tính đến nay, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đạt 97,65% (28.797/29.489 tàu cá). Số lượng tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS đã được các địa phương lập danh sách để theo dõi,quản lý (hầu hết là các tàu cá đang nằm bờ, ngưng hoạt động và thuộc diện chờ giải bản, xóa đăng ký…).
Về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác: Đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, Hiệp định về các biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài đã được tăng cường, đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Namvà cơ bản đáp ứng được quy định của Hiệp định PSMA.
Nhóm nội dung cuối cùng là thực thi pháp luật và xử lý vi phạm cũng đạt kết quả tích cực. Đến nay, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư) đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Việt Nam cũng mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU. Năm 2022 xử phạt gần 1 nghìn vụ với tổng số trên 16 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xử phạt 2.111 vụ với số tiền hơn 44 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được cho thấy Việt Nam đã rất nỗ lực xử lý vấn đề IUU, thể hiện quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC và hướng tới mục tiêu lâu dài là phát triển một nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, bảo đảm sinh kế bền vững của cộng đồng ngư dân ven biển.
Huyền My (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.