Việt Nam thu hơn 23 tỷ USD từ hàng nông lâm thuỷ sản trong 5 tháng
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đạt hơn 23 tỷ USD (tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Chỉ riêng trong tháng 5, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng tốt, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước trên 5,1 tỷ USD, tăng 18,1% so với tháng 5/2021, tăng 3,8% so với tháng 4/2022; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 2,0 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,7 tỷ USD, thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 32,4 triệu USD,…
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; chăn nuôi ước đạt 138,9 triệu USD, giảm 16,2%; xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 59,3%.
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm, đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất).
Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 2 tỷ USD (tăng 54,0%); cao su đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12%; hồ tiêu khoảng 476 triệu USD, tăng 25,7%; sắn và sản phẩm sắn đạt 636 triệu USD, tăng 20,3%; cá tra đạt khoảng 1,2 triệu USD, tăng 91,2%; tôm đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 42,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%; mây, tre, cói thảm đạt 426 triệu USD, tăng 19,1%.
Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như chè đạt giảm 6,5%; nhóm hàng rau quả đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 13,6%; hạt điều ước đạt trên 1,2 tỷ USD, giảm 2,9%. Dù giá trị xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng 6,9% nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ lại giảm 4,6% với giá trị trên 4,9 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam khi đạt giá trị gần 6,5 tỷ USD (chiếm 28% thị phần). Đứng thứ 2 là Trung Quốc trên 4,1 tỷ USD (chiếm 17,8% thị phần); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD, chiếm 4,8% và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm 44,2%.
Về nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 5 tháng, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ước gần 18,1 tỷ USD (giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021). Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 5,1 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
HM (T/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.