Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực tập thể của ASEAN ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19
Chiều 4-6, Đối thoại cao cấp về Tăng cường tính tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc (LHQ) về Phát triển bền vững 2030 lần thứ 4 đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề xuất một số định hướng nhằm thực hiện hiệu quả Lộ trình Tương hỗ 2020-2025
Tham dự Đối thoại có đại diện các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, UNESCAP và các đối tác như Trung Quốc, EU, Na-uy, Thuỵ sỹ, Đức, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và các cơ quan liên quan của LHQ.
Đây là khuôn khổ đối thoại thường niên do Thái Lan, nước điều phối ASEAN về phát triển bền vững, và UNESCAP phối hợp tổ chức từ năm 2017 nhằm thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác về phát triển bền vững thông qua việc triển khai Sáng kiến Tương hỗ, trong đó có Lộ trình Tương hỗ 2020-2025, và tăng cường vai trò của Trung tâm Đối thoại và Nghiên cứu phát triển bền vững ASEAN (ACSDSD). Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã tham dự Đối thoại với tư cách nước Chủ tịch ASEAN 2020.
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Thái Lan và UNESCAP thúc đẩy họp trực tuyến nhằm duy trì đà hợp tác trong bối cảnh dịch COVID-19; khẳng định vấn đề phát triển bền vững luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự hợp tác khu vực và quốc tế, và ngày càng trở nên cấp thiết trước những tác động mọi mặt của dịch COVID-19, đặt ra các thách thức to lớn đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của các nước, tổ chức khu vực và quốc tế.
Trên cơ sở đó, các bên tham dự Đối thoại đã cùng rà soát tiến độ triển khai các chương trình, dự án thuộc Sáng kiến Tương hỗ; cập nhật tình hình kiện toàn bộ máy và thúc đẩy vai trò của Trung tâm ACSDSD;
Đồng thời đề xuất các định hướng triển khai hiệu quả Lộ trình Tương hỗ 2020-2025 với 5 lĩnh vực ưu tiên chính, gồm: giảm nghèo, cơ sở hạ tầng và kết nối, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và tiêu dùng bền vững, và tự cường.
Phát biểu chính tại Phiên Thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh với Chủ đề ASEAN 2020 “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam đã chủ động và nhanh chóng thúc đẩy các nỗ lực tập thể của ASEAN ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19.
Cho rằng các thách thức như bất bình đẳng, đói nghèo, an ninh lương thực, y tế và giáo dục, biến đổi khí hậu và khoảng cách số…là “phép thử quỳ” đối với các giá trị phát triển cốt lõi nhằm bảo đảm khả năng tự cường, gắn kết, chủ động thích ứng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề xuất một số định hướng nhằm thực hiện hiệu quả Lộ trình Tương hỗ 2020-2025, trong đó có việc lấy con người là trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách cũng như triển khai các chương trình, dự án phát triển bền vững; khẳng định khoa học công nghệ và sáng tạo là động lực chính thúc đẩy phát triển bền vững trong thời đại số, cần được tích hợp trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển bền vững cấp quốc gia và khu vực;
Duy trì hội nhập và mở cửa kinh tế khu vực, khôi phục các chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối và thúc đẩy đầu tư, thương mại nội khối ASEAN, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) khắc phục tác động của COVID-19; (iv) Nhấn mạnh nhu cầu nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia và các viện nghiên cứu phát triển bền vững nhằm hỗ trợ trực tiếp việc triển khai 5 lĩnh vực ưu tiên chính của Lộ trình Tương hỗ…
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững phù hợp với mục tiêu xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, hướng tới hiện thực hoá Tầm nhìn ASEAN 2025.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.