Việt Nam: Thúc đẩy nhập khẩu nông sản từ Mỹ

Doanh nghiệp - Doanh nhân
01:57 PM 15/09/2020

Nhằm thúc đẩy nhập khẩu nông sản từ Mỹ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp vào chiều 14/9

Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt là thương mại nông sản tăng trưởng liên tục trong những năm qua, đạt khoảng 30%. Trong 7 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt 7,53 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm chính như: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, cà phê, cao su, rau quả… Việt Nam cũng nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng nông sản chính như: thức ăn gia súc và nguyên liệu; đậu tương, gỗ và sản phẩm gỗ; rau quả; sữa và sản phẩm sữa; lúa mỳ, bông…

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản Mỹ sang Việt Nam. Ảnh minh họa

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản Mỹ sang Việt Nam. Ảnh minh họa

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để duy trì và phát triển quan hệ thương mại với Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp hai nước đã hợp tác chặt chẽ giải quyết nhiều yêu cầu về tiếp cận thị trường, xử lý các vấn đề liên quan trong khuôn khổ Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với Mỹ.

Thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chuyên ngành phía Mỹ để những thủ tục về kiểm dịch hai bên ngày càng thông thoáng và theo đúng thông lệ quốc tế. Đồng thời, hai bên đang tích cực mở cửa thị trường cho các sản phẩm như: quả hạch, hạnh nhân, bưởi chùm từ phía Mỹ sang Việt Nam và tương tự Việt Nam cũng đề nghị mở cửa đối với quả bưởi của Việt Nam vào thị trường này…

Tại cuộc họp nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản từ Mỹ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Để thúc đẩy các cam kết với Mỹ, cũng như để đạt được kỳ vọng về thương mại với Mỹ, các doanh nghiệp mong muốn có độ mở hơn từ chính sách, đặc biệt là giảm thuế nhập khẩu hay tạo sự thông thoáng trong kiểm dịch động thực vật.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản Mỹ sang Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Theo đó, giảm thuế đối với 9 nhóm hàng nông sản như lúa mỳ từ 5% xuống 3%; táo, nho tươi từ 10% xuống 8%; hạnh nhân từ 15% xuống 10%; óc chó từ 10% xuống 8%; thịt lợn từ 25% xuống 22%; sản phẩm sữa có mức giảm thuế tùy loại…

Hải Dương
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.