Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Đây là kết quả của sự nỗ lực trong quá trình hoàn thiện chính sách thu hút vốn, công tác xúc tiến thương mại thời gian qua; do môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta tiếp tục được cải thiện, góp phần củng cố niềm tin, tâm lý cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia nước ngoài, khả năng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam nhờ 3 yếu tố chính: Thứ nhất là sự ổn định của môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư. Thứ hai là những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, pháp lý và cuối cùng là vị trí chiến lược trong thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên nếu muốn thu hút FDI mạnh hơn nữa, cần nhất là giải quyết vấn đề tiêu chí trong thu hút FDI bền vững, xây dựng công nghiệp xanh. FDI hiện nay chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp dưới dạng đầu tư công nghiệp sinh thái, Việt Nam cũng có một số khu chú trọng xu hướng này. Song họ cũng đang thiếu các tiêu chí khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, để đón đầu các dự án FDI thế hệ mới, các khu công nghiệp cần chú trọng phát triển môi trường xanh, quan tâm đến ESG, giảm phát thải carbon… Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là việc phát triển khu công nghiệp xanh, hạ tầng xanh không chỉ là yêu cầu để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh.
Bộ KH-ĐT cho biết năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới nhờ những thành tựu về thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2024. Bộ đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip… và họ đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thu hút FDI toàn cầu năm 2025 còn nhiều thách thức, đặc biệt là các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng để thu hút dòng vốn đầy tiềm năng này, đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.