Việt Nam tiêm vaccine COVID-19 vượt mốc 55 triệu liều
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng, đến hết ngày 11/10, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 ở nước ta đã đạt 55.870.164 liều. Việt Nam được đánh giá là nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 nhanh.
- Hàn Quốc tuyên bố tặng 1,1 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam
- Hiệu quả vaccine Pfizer giảm dần theo thời gian: Chuyên gia nêu lý do không cần hoảng sợ
- WHO chính thức khuyến cáo đối tượng tiêm vaccine COVID-19 tăng cường
- Bộ Y tế vào cuộc vụ "xâm nhập đường dây tiêm vaccine thu phí" tại TP.HCM
- Ngoại giao vaccine - "Mặt trận" quan trọng trong "cuộc chiến" chống COVID-19
Để đạt được điều này là nỗ lực trong ngoại giao vaccine của Đảng, Chính phủ và công tác lập kế hoạch triển khai tiêm nhưng quan trọng nhất là sự đồng lòng của người dân.
Theo Bộ Y tế, trong số gần 56 triệu liều vaccine đã tiêm, có gần 39 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 (chiếm 54,3% dân số từ 18 tuổi trở lên) và 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (chiếm 22,1%).
Về triển khai tiêm vaccine ở các địa phương, cho đến nay, TPHCM vẫn dẫn đầu cả nước về độ bao phủ vaccine khi số mũi tiêm đã đạt hơn 12,360 triệu.
Trong 22 quận, huyện, thành phố của TPHCM, chỉ còn 4 quận, huyện chưa hoàn thành tiêm mũi 1 cho người dân trong độ tuổi là Cần Giờ (99%), Quận 10 (95%), Quận 12 (99%) và quận Gò Vấp (98%). Tuy nhiên, đây cũng là các quận, huyện có số người tiêm mũi 2 đạt cao (Cần Giờ 91%, Quận 10 là 94%, Quận 12 đạt 77%, Gò Vấp 82%). Về tiêm mũi 2, sau Quận 5 và Quận 11, đến nay đã có thêm huyện Củ Chi hoàn tất tiêm mũi 1 và mũi 2 cho 100% số dân trong độ tuổi trên địa bàn. Các quận, huyện còn lại đạt từ 68-99%.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng, nếu tính tỷ lệ số người đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine/dân số từ 18 tuổi trở lên thì Long An là địa phương dẫn đầu cả nước với 185%. Tiếp đó, một số địa phương có tỷ lệ đạt cao là TPHCM (177,42%), Bình Dương (170,28%), Quảng Ninh (166,22%), Hà Nội (151,08%), Khánh Hòa (134,13%), Đồng Nai (129,14%), Lạng Sơn (100,78%)…
Còn nếu căn cứ vào số vaccine đã được phân bổ, đến nay, cả nước đã có 8 tỉnh, thành phố đã tiêm được từ 1 triệu liều vaccine trở lên, gồm: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng.
Số lượng vaccine trong tháng 8 và tháng 9 về nhiều và được nhanh chóng phân bổ cho các địa phương. Đây là 1 trong những lý do khiến tốc độ tiêm đạt được như hiện nay.
Cũng theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tính đến hết ngày 10/10, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng 87,7 triệu liều vaccine COVID-19 từ các nguồn mua trực tiếp từ các hãng sản xuất vaccine, viện trợ thông qua cơ chế COVAX, thương lượng để chuyển nhượng, vay vaccine dôi dư của các nước trong cơ chế COVAX, vaccine được các nước viện trợ, tặng.
Đến hết tháng 10, tổng số lượng vaccine mà Việt Nam có thể tiếp nhận dự kiến sẽ đạt con số khoảng 110 - 124 triệu liều. Nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng chậm tiêm, Bộ Y tế sẽ chủ động điều chuyển vaccine cho nơi khác.
Huyền My (T/h)Điều này phản ánh sự thành công trong việc phát triển hạ tầng số, mở rộng kết nối Internet và áp dụng các mô hình Chính phủ điện tử hiệu quả.