Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid- 19

Sự kiện
07:51 AM 21/05/2020

Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

    Sáng ngày 20/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

     Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tại phiên họp

    Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra, có thêm 02 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 04 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội. Cả 03 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có sự tăng trưởng.

    Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố. Tổng thu NSNN năm 2019 vượt khá cao so với dự toán, bội chi NSNN giảm.

    Thị trường tài chính hoạt động tương đối ổn định; việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đạt được một số kết quả nhất định; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát, an toàn hoạt động ngân hàng được bảo đảm. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao.

    Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm... có những chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được cải thiện. Kết quả tích cực của năm 2019 thể hiện rõ nét qua việc tổ chức Tết nguyên đán năm 2020 đầm ấm, yên vui, trong bầu không khí phấn khởi.

    Tuy nhiên, một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm để có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2020. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao. Một số dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tốc độ tăng TFP ở mức thấp trong các nước ASEAN. Các giải pháp về bảo vệ môi trường chưa hiệu quả. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Đề nghị báo cáo rõ hơn việc triển khai Luật Quy hoạch, tiến độ lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; triển khai thu phí tự động không dừng không bảo đảm tiến độ.

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, sau đó lan rộng ra các quốc gia. Công tác phòng, chống dịch trong nước đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc, sự ủng hộ, động viên về vật chất và tinh thần của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó có sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, hành động kịp thời của Chính phủ và chính quyền các cấp, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành y tế, lực lượng quân đội, công an, ngoại giao, sự chủ động tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí. Nhiều sự hy sinh thầm lặng, vượt khó của nhiều tập thể và cá nhân cần được trân trọng, vinh danh…

    Việc nhất quán quan điểm “chống dịch như chống giặc”, nguyên tắc “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, đề cao truyền thống nhân văn cao cả của dân tộc đã đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế-xã hội. Đến nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, Việt Nam trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

    Những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 cùng với việc thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước; nâng cao vai trò, khẳng định vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

    Đối với kinh tế-xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng. Trong Quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước.

    Lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gặp khó khăn; các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh; ngành du lịch, giao thông vận tải, kho bãi, giáo dục - đào tạo, y tế, kinh doanh bất động sản … cũng chịu ảnh hưởng lớn.Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng chậm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tháng 4 giảm sâu.

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.

    Kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước. Các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 (nếu có) phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

      Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

    Bên cạnh đó, tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm nếu có xảy ra.

    Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn.

    Cùng với đó, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động triển khai xây dựng các công trình tích nước; nghiên cứu chuyển đổi từ trồng các loại cây xuất khẩu khó khăn, giá trị gia tăng thấp sang các loại cây thị trường trong nước có nhu cầu cao, nhập khẩu nhiều, giá trị gia tăng lớn. Thực hiện tốt việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

    Đặc biệt, tổ chức cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm có tổ chức kiểu “xã hội đen”, giết người, tội phạm về ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản, tội phạm mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; giữ gìn an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Bảo đảm công tác an ninh, trật tự phục vụ tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp. Kiểm soát và quyết liệt giải quyết hiệu quả ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn.

    Khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA. Theo dõi sát diễn biến chính trị quốc tế, đặc biệt sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có vấn đề thương mại và dịch bệnh .Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới.

    Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị trên cơ sở Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, Ủy ban Kinh tế báo cáo Quốc hội xem xét.
     

    Theo KTĐT

    Ý kiến của bạn
    Lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD Lần đầu tiên xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD

    Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê tính đến ngày 15/12 đã đạt 5,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD.