Việt Nam- Trung Quốc: Khởi động lại tuyến du lịch vàng "Hai quốc gia – sáu điểm đến"
Chương trình du lịch vàng, kiểu mẫu “Hai Quốc gia, Sáu điểm đến” là sáng kiến do ngành du lịch tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đề xuất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 21/6/2019 tại thị xã Sa Pa (Lào Cai, Việt Nam); được chính thức khai trương, vận hành ngày 14/1/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19, chương trình này đã bị gián đoạn.
Ngày 28/3, Sở Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch các địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng với Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến khởi động lại tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam gồm: Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam).
Tới dự sự kiện có lãnh đạo chính quyền Châu Hồng Hà, Cục Du lịch Châu Hồng Hà, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có lãnh đạo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), lãnh đạo các sở quản lý du lịch của 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh cùng 300 doanh nghiệp lữ hành của hai nước.
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Châu Hồng Hà Triệu Thụy Quân cho biết, việc mở rộng thông thương giữa hai quốc gia sau dịch Covid-19 tạo điều kiện thuận lợi lớn cho nhân dân hai quốc gia phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Vì thế, việc khởi động tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” của Trung Quốc và Việt Nam gồm: Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) là cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch hai quốc gia.
Ông Triệu Thụy Quân cũng cho biết, du lịch Châu Hồng Hà đã có sự thay đổi sau dịch Covid-19, với việc hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới. Khách du lịch Việt Nam đến Châu Hồng Hà có thể được khám phá những di sản hấp dẫn như thửa ruộng bậc thang có tuổi đời nghìn năm, ẩm thực đặc sắc cùng những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Hà Nhì sinh sống tại đây.
Đại diện cho các điểm đến của Việt Nam, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội luôn xác định, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu, đồng thời du khách Trung Quốc rất yêu thích các điểm đến của Việt Nam như: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,… và các điểm đến tham quan du lịch giàu bản sắc văn hóa khác.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Từ nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn là thành viên tích cực của Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và trong năm 2023, thành phố Hà Nội sẽ đăng cai Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ 10. Đối với lĩnh vực du lịch Thủ đô Hà Nội, trước đại dịch COVID-19, du lịch đã cho thấy được vai trò quan trọng, là một ngành kinh tế, đã đóng góp đáng kể vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Hà Nội luôn xác định Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu, đồng thời du khách Trung Quốc rất yêu thích các điểm đến của Việt Nam như: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… và các điểm đến tham quan du lịch giàu bản sắc văn hóa khác. Việt Nam là điểm đến lý tưởng của khách du lịch Trung Quốc ưa thích loại hình du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch golf…
“Hà Nội sẽ tập trung làm tốt công tác đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cấp điểm đến, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, môi trường du lịch... làm nền tảng phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, trong đó có khách du lịch Trung Quốc theo tuyến du lịch: Côn Minh - Châu Hồng Hà (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) hướng đến mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội. Sau hội nghị xúc tiến này, chương trình sẽ chính thức khởi động đón những đoàn khách từ tháng 4 này”, bà Đặng Hương Giang cho biết.
Về phía tỉnh Lào Cai, bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Lào Cai với vị trí cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tỉnh có trên 182 km đường biên giới với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Lào Cai rất coi trọng thị trường khách du lịch đến từ Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng. Đây là thị trường khách truyền thống, quan trọng của tỉnh. Ngành du lịch 2 địa phương đã có nhiều hoạt động ký kết hợp tác phát triển du lịch, trao đổi nguồn khách giữa các doanh nghiệp lữ hành, Hiệp hội Du lịch hai bên được thường xuyên và hiệu quả.
Đến thời điểm hiện tại, ngành du lịch Lào Cai đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, với tâm thế sẵn sàng nhất, luôn nồng nhiệt chào đón các du khách đến từ Trung Quốc với những dịch vụ du lịch đảm bảo chất lượng, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách
Để tuyến du lịch vàng “Hai quốc gia - Sáu điểm đến” đạt hiệu quả cao, bà Giàng Thị Dung đề nghị cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch của hai nước cùng nhau phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, sớm khai thác tuyến xe chở khách du lịch đến hai quốc gia và các địa phương.
Thực tế trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của Du lịch Việt Nam, chiếm tỷ lệ cao (trung bình khoảng 30%) trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, khách du lịch Trung Quốc đứng đầu trong các thị trường gửi khách đến Việt Nam, đạt 5,8 triệu lượt trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Chương trình xúc tiến với sự tham gia của gần 300 đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến từ Trung Quốc và Việt Nam trao đổi thông tin về sản phẩm du lịch, giới thiệu quảng bá du lịch, điểm đến, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch của hai địa phương tìm hiểu nhu cầu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Tại hội nghị, đại diện "sáu điểm đến" của Việt Nam và Trung Quốc đã giới thiệu những tiềm năng và điều kiện khai thác du lịch trong thời gian tới. Lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp du lịch Trung Quốc và Việt Nam kỳ vọng, thời gian tới có thể sớm phối hợp để triển khai ngay tuyến du lịch này, đưa đón du khách hai chiều.
Hoàng ChiếnPhó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung sân bay Gia Bình vào quy hoạch.