Việt Nam tụt 7 bậc về Chỉ số phát triển du lịch và lữ hành
Trong báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) năm 2024, Việt Nam xếp thứ 59 trên 119 điểm đến về chỉ số phát triển du lịch, tụt 7 bậc so với năm trước, xếp sau Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Cụ thể, Chỉ số phát triển du lịch (TTDI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 59, giảm 7 bậc so với năm 2021. Tổng điểm Việt Nam đạt được là 3,96 trên 7, giảm 0,14% so với tổng điểm 4,1 của 2021.
Đây là kết quả đáng thất vọng cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Điểm sáng của du lịch Việt Nam trong năm nay là giá cả cạnh tranh, được đánh giá cao với vị trí thứ 16 và an ninh an toàn xếp hạng 23. Ngoài ra, Việt Nam cũng ghi điểm với các chỉ số thuộc nhóm tài nguyên du lịch và lữ hành, bao gồm tài nguyên thiên nhiên (hạng 26), tài nguyên văn hóa (hạng 28) và tài nguyên khác ngoài giải trí-nghỉ dưỡng (hạng 38).
Tuy nhiên, du lịch Việt Nam cũng bộc lộ nhiều điểm yếu cần khắc phục, đặc biệt là hạ tầng dịch vụ. Chỉ số này của Việt Nam chỉ đạt 2,2 điểm, xếp hạng 80/119, là điểm thấp nhất trong 5 nhóm chỉ số chính của TTDI.
Bên cạnh đó, tác động kinh tế xã hội của ngành du lịch Việt Nam cũng được đánh giá thấp với chỉ số 2,95 điểm, xếp hạng 115/119, chỉ cao hơn Lào và Myanmar.
Trong khối ASEAN, Singapore là quốc gia có thứ hạng cao nhất, xếp thứ 13. Các quốc gia xếp trên Việt Nam gồm Indonesia hạng 22, Malaysia hạng 35, Thái Lan hạng 47. Việt Nam đứng trên Philippines hạng 69, Campuchia hạng 86 và Lào hạng 91. Indonesia là quốc gia được đánh giá tăng trưởng tốt nhất so với 2021 trong khu vực khi tăng 14 bậc, từ 36 lên 22.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu thứ hạng Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc.
Theo đó, du lịch là một trong 7 mục tiêu phấn đấu nâng cao thứ hạng cạnh tranh đến năm 2025 được đặt ra trong Nghị quyết 02 của Chính phủ, bao gồm: (1) Phát triển bền vững (của Liên hợp quốc - UN) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; (2) Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) tăng ít nhất 3 bậc; (3) Chính phủ điện tử (của UN) tăng ít nhất 5 bậc; (4) Quyền tài sản (IPRI) của Liên minh Quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; (5) Hiệu quả logistics (LPI) của Ngân hàng thế giới (WB) tăng ít nhất 4 bậc; (6) Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc; (7) An toàn an ninh mạng của ITU thuộc Nhóm 30 nước đứng đầu.
Có thể thấy, sự hiện diện của nhiều chỉ tiêu liên quan đến du lịch cho thấy mức độ quan tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành kinh tế này.
Chỉ số Phát triển Du lịch và Lữ hành (TTDI) năm 2024 là một báo cáo tổng hợp, gồm 5 nhóm với 17 chỉ số đánh giá về năng lực phát triển ngành du lịch và lữ hành của 119 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 17 chỉ số này lại được tính toán từ nhiều chỉ số nhỏ hơn.
Bộ khung chỉ số phát triển Lữ hành và Du lịch - TTDI của WEF là một tham chiếu rất quan trọng để ngành du lịch biết đâu là các chỉ số thành phần để từ đó cải thiện và đầu tư phát triển. Việc lãng phí và hủy hoại các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa hay không đầu tư đúng và đủ vào các trụ cột còn lại đều làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Khi thu hút càng nhiều du khách quốc tế thì cũng là giảm được một phần lượng du khách Việt Nam đi nước ngoài vì họ biết rằng Việt Nam còn nhiều nơi rất đáng để đi tham quan, nghỉ dưỡng trong các kỳ nghỉ của mình và gia đình.
Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.