Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 về xuất khẩu thủy sản vào Singapore

Xuất nhập khẩu
02:07 PM 26/04/2024

Trong quý 1/2024, lần đầu tiên đánh dấu mốc Việt Nam vượt qua Nhật Bản, vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore...

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Singapore trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng 3,22% (giá trị xuất khẩu đạt hơn 24 triệu SGD), chiếm thị phần 8,58%.

Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 về xuất khẩu thủy sản vào Singapore- Ảnh 1.

Việt Nam vươn lên vị trí thứ 5 về xuất khẩu thủy sản vào Singapore. Ảnh: Báo Đầu Tư

Các số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Singapore trong năm 2023 tăng mạnh ở nhóm cá tươi (tăng 29,27%), trong khi đó 3 nhóm hàng có sự sụt giảm mạnh là nhóm thủy sản thủy sinh (giảm 78,95%); nhóm cá đông lạnh (giảm 26,37%), nhóm thủy sản thân mềm (giảm 16,03%).

Quý 1/2024, lần đầu tiên đánh dấu mốc Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản, vươn lên vị trí đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore.

Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo là Na Uy ở vị trí thứ 2, Indonesia xếp thứ 3, Trung Quốc xếp thứ 4.

Trong đó, 6 quốc gia có thị phần lớn nhất chiếm từ 9% - 13%, cụ thể Malaysia (13,60%), Na Uy (11,45%), Indonesia (11,13%), Trung Quốc (10,15%), Việt Nam (8,58%) và Nhật Bản (8,34%).

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 340 triệu SGD, giảm 5,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhóm sản phẩm thủy sản chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Singapore gồm: Tôm, cua, thủy sản giáp xác, chiếm gần 25% tổng lượng tiêu thụ của thị trường; tiếp đến là cá tươi, ướp lạnh, chiếm 19,86%; phi lê cá, thịt cá ướp lạnh hoặc đông lạnh, chiếm 18,15%; cá đông lạnh chiếm 15,45%; thủy sản thân mềm, chiếm 11,02%... Các nhóm mặt hàng như cá tươi, cá chế biến và thủy sản thủy sinh chiếm tỷ trọng tương đối thấp, lần lượt là 4,05%; 4,11% và 2,43%.

Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh (chiếm 26,85%) và cá chế biến (chiếm 16,88%)...

Để có thể giữ vững và nâng cao thứ hạng, tăng thị phần và tăng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Singapore, Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản.

Một số vụ việc liên quan đến thu hồi sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam gần đây tại Singapore là do đối tác không tuân thủ về dãn nhãn cảnh báo thành phần dị ứng và một số điều kiện nhập khẩu. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đặc biệt lưu ý cập nhật các quy định của địa bàn, giữ uy tín chất lượng và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam.

Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản sang thị trường Singapore nói riêng và thị trường thế giới nói chung, Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo các doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam nghiên cứu và tận dụng hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời thường xuyên cập nhật các quy định của địa bàn, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, nhãn mác hàng hóa,…

Cùng với việc tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, tăng cường quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tăng sự hiện diện hàng hóa Việt Nam tại thị trường quốc tế, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì ổn định chất lượng hàng hóa, giữ uy tín với đối tác quốc tế.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.