Việt Nam xếp thứ 16 về Chỉ số an ninh mạng toàn cầu 2024
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng các dự án phát triển dài hạn về nhân sự cho an ninh mạng đã được ghi nhận, cùng với đó là những thành tựu trong việc tạo ra hệ sinh thái cho các sản phẩm về an toàn và an ninh mạng.
Theo báo cáo Chỉ số an ninh mạng toàn cầu năm 2024 (GCI 2024) do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố, GCI Việt Nam đã tăng 9 bậc, vươn lên vị trí thứ 16/194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đứng thứ 4 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thứ 3 trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về lĩnh vực an ninh mạng.
Với tổng điểm của Việt Nam là 99,74, trừ phát triển năng lực đạt 19,74/20, 4 tiêu chí còn lại của Việt Nam ghi nhận đều đạt điểm tuyệt đối.
Tổng điểm này đã giúp Việt Nam ghi danh vào nhóm 46 quốc gia hàng để có chỉ số An toàn thông tin mạng cao nhất thế giới.
Cùng với Việt Nam, 4 quốc gia Đông Nam Á khác cũng xuất hiện trong nhóm bao gồm Indonesia (100), Thái Lan (99,22), Malaysia (98,82) và Singapore (99,86).
Theo báo cáo GCI 2024, đã có 177 quốc gia có ít nhất một quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ quyền riêng tư hoặc thông báo vi phạm có hiệu lực hoặc đang được tiến hành; 132 quốc gia có Chiến lược An ninh mạng Quốc gia tính đến năm 2024, tăng từ 107 quốc gia trong chỉ số năm 2021.
139 quốc gia có CIRT (Nhóm ứng phó sự cố máy tính), tăng từ 109 trong chỉ số năm 2021; 152 quốc gia đã tiến hành các sáng kiến nâng cao nhận thức về mạng nhắm vào dân số nói chung; 110 quốc gia đã có khuôn khổ để thực hiện các tiêu chuẩn an ninh mạng được quốc gia hoặc quốc tế công nhận, tăng từ 103 vào năm 2021.
Bên cạnh đó, đối với đào tạo nhân lực cho ngành an ninh mạng, các chính phủ đang thúc đẩy ngành an ninh mạng thông qua các ưu đãi, tài trợ và học bổng, nhằm nâng cao kỹ năng an ninh mạng và thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực này; 123 quốc gia báo cáo có các khóa đào tạo cho các chuyên gia an ninh mạng, tăng từ 105 vào năm 2021; 153 quốc gia đã tích hợp an ninh mạng vào chương trình giảng dạy quốc gia ở một số cấp.
Chỉ số an ninh mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index: GCI) là sáng kiến của ITU, cơ quan chuyên môn của Liên Hợp quốc về công nghệ thông tin và truyền thông. Chỉ số này được ITU khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2015 để đo lường cam kết của 194 quốc gia thành viên ITU đối với an ninh mạng nhằm giúp họ xác định các lĩnh vực cần cải thiện và khuyến khích các quốc gia hành động, thông qua việc nâng cao nhận thức về tình trạng an ninh mạng trên toàn thế giới.
GCI 2024 đánh giá các nỗ lực của các nước dựa trên 5 tiêu chí, thể hiện các cam kết an ninh mạng cấp quốc gia bao gồm: pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, phát triển năng lực và hợp tác. ITU cũng thay đổi cách thức đánh giá nhằm tập trung tốt hơn vào sự tiến bộ của mỗi nước trong các cam kết bảo mật và tác động của nó.
Trong tháng 9/2024, tuy bị thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhưng tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông lâm thủy sản vẫn đạt mức trên 3%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm tốt cung ứng lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...