Việt Nam xếp thứ 33 trong 121 thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới
Báo cáo của Brand Finance chỉ ra, Việt Nam đang đạt kỳ tích mới khi trở thành quốc gia thuộc nhóm có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 102% trong giai đoạn 2019-2023. Với tổng giá trị 498,13 tỷ USD vào năm 2023, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 33 trong số 121 thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới.
Thông tin trên được bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose phát biểu tại "Lễ vinh danh 100 doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam năm 2024".
Tại lễ vinh danh, Viettel, Vinamilk và VNPT tiếp tục giữ vững vị trí trong Top 3 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Viettel dẫn đầu với giá trị thương hiệu đạt 8,9 tỷ USD, giữ vị trí thương hiệu giá trị nhất Việt Nam trong 9 năm liên tiếp kể từ năm 2015. Vinamilk đứng thứ hai với giá trị 2,6 tỷ USD, dù giá trị này giảm 11% so với năm 2023 và VNPT đứng thứ ba với giá trị 2,6 tỷ USD, giảm 3% so với năm trước.
Thành công này không chỉ là kết quả của những nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong nước mà còn là bước ngoặt quan trọng trong quá trình khẳng định thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế.
Bà Trần Tuệ Tri cho rằng, việc có mặt trong top 100 của Brand Finance còn khẳng định vị thế dẫn đầu, tạo đà phát triển dài hạn, thu hút đầu tư và củng cố niềm tin trong quá trình hội nhập quốc tế.
Báo cáo của Brand Finance cũng ghi nhận ngành ngân hàng và viễn thông tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2024, giá trị thương hiệu của ngành ngân hàng đã tăng 10%, đạt 13,8 tỷ USD. Đây là minh chứng cho năng lực điều hành vững vàng của các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đối mặt nhiều thách thức. Đáng chú ý, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu trong ngành với giá trị thương hiệu đạt 2 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước.
Lĩnh vực viễn thông và công nghệ cũng ghi nhận sự bứt phá ấn tượng từ FPT khi giá trị thương hiệu của tập đoàn này đạt gần 1 tỷ USD, tăng 6 bậc so với bảng xếp hạng năm 2023.
Theo các chuyên gia thương hiệu, sự đổi mới trong sản phẩm, chiến lược quảng cáo sáng tạo và khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng cũng sẽ là yếu tố quyết định sự bứt phá của các thương hiệu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh.
Báo cáo Brand Finance Vietnam 100 đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh. Sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế và tác động từ và biến đổi khí hậu đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiên trì và linh hoạt.
Báo cáo Brand Finance Vietnam 100 năm 2024 không chỉ cung cấp bức tranh toàn diện về sức mạnh và giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn cung cấp nhiều thấu hiểu sâu sắc và là nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực và cải thiện.
An Mai (t/h)Quốc hội cho thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng, trong vòng 5 năm từ ngày 1/4/2025.