Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về tiêu thụ thịt lợn
Thị trường 100 triệu dân với lượng khách du lịch quốc tế ngày càng tăng đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn thứ 6 thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng đàn lợn của cả nước cuối 2022 khoảng 25 triệu con; tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2023 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn các tháng năm 2023 thấp hơn năm 2022 ở cùng thời điểm. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2022 sản lượng thịt lợn xẻ quy đổi của Việt Nam đạt 3,1 triệu tấn, chiếm 2,5% tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu. Trong số 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn/sản xuất là 105,4%, nghĩa là sản xuất thịt lợn trong nước đáp ứng được khoảng 95% nhu cầu tiêu thụ thịt lợn.
Đây là cơ sở để ngành chăn nuôi trong nước định hướng xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Chăn nuôi lợn cũng đang chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm quy mô nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các quy mô chuyên nghiệp và trang trại lớn. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15 - 20%. Cùng với đó, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 - 40%, các hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60 - 65%.
Với tiềm năng lớn về thịt lợn, các cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp và trang trại cần xác định rõ chính sách để tăng sản lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn các kênh phân phối, tiêu thụ, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu; đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng sản phẩm nhằm tiêu thụ ở nhiều thị trường khác nhau.
Đồng thời, tổ chức tốt hệ thống phân phối, rút ngắn các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bán lẻ, giảm các khâu trung gian và kiểm soát thị trường hiệu quả, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đặc biệt, ngành chăn nuôi lợn chủ động giải pháp về giống, thức ăn, phương thức nuôi, giải quyết các vấn đề giết mổ, sơ chế, chế biến, nhu cầu thị trường để từng bước chỉ đạo sản xuất tương đối, giúp đảm bảo tăng trưởng và đóng góp của thịt lợn trong giỏ hàng hóa.
Minh An (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.