Việt Nam xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo trong quý I/2025
Ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Riêng quý I năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2,25 triệu tấn gạo, tiếp tục tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu gạo tháng 3/2025 ước đạt 950 nghìn tấn, trị giá khoảng 463,6 triệu USD.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo, thu về 1,14 tỷ USD, tăng 0,6% về khối lượng nhưng giảm mạnh 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm ước đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, tình trạng giá gạo xuống thấp hiện nay rất đáng lo ngại. Trong suốt những năm 2016-2022, giá gạo xuất khẩu loại tẻ thường 5% tấm của Việt Nam luôn dao động ở mức 420-535 USD/ tấn. Năm 2023, giá gạo xuất khẩu tăng cao nhờ việc Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo, khiến giá gạo 5% tấm của Việt nam đạt đỉnh cao nhất 15 năm (tính từ năm 2008) là 663 USD/tấn vào tháng 11/2023. Đến thời điểm này, giá gạo tẻ xuất khẩu của nước ta đã đã giảm 264 USD, tương đương 40% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, gạo thơm và chất lượng cao vẫn có thị trường riêng, nên giá các loại gạo này vẫn không giảm. Nhiều doanh nghiệp vẫn xuất khẩu được gạo thơm, gạo đặc sản với giá 800 – 1.200 USD/tấn. Hiện nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo đặc sản ST25 với giá hơn 1.000 USD/tấn.
Mặc dù giá gạo tẻ xuất khẩu đã xuống dưới mức 400 USD/tấn trong tháng 1/2025, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân của tháng vẫn trên mốc 600 USD/tấn, là nhờ sức kéo của gạo thơm và gạo đặc sản.
Trong quý I, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,1%. Bờ Biển Ngà và Ghana là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần lần lượt là 16,3% và 10,2%.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong 3 tháng, thặng dư thương mại gạo đạt 454,7 triệu USD, giảm 49,5%. Tuy nhiên, gạo là một trong 5 mặt hàng của ngành nông nghiệp ghi nhận mức thặng dư cao nhất 3 tháng qua.
Ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây, thể hiện qua sản lượng và doanh thu không ngừng gia tăng. Từ mức 6 triệu tấn các năm trước, xuất khẩu gạo đã tăng lên 7,5 triệu tấn vào năm 2022 và đạt kỷ lục 9,18 triệu tấn trong năm 2024, mang về doanh thu trên 5,7 tỉ USD. Riêng quý 1 năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024.
Chủ tịch VFA cũng thông tin, những năm tới, ngành lúa gạo đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình xuống không quá 10% vào năm 2030, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica và gạo đặc sản lên khoảng 45%.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, VFA kiến nghị các bộ ngành liên quan tăng cường các chính sách hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện về vốn và hoàn thuế cho doanh nghiệp, nâng cấp hạ tầng logistics và quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại các địa phương. Đại diện VFA cũng nhấn mạnh, sự cần thiết của việc mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cần có chiến lược ổn định cho từng thị trường cụ thể.
Minh An (t/h)
Trong thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là marketing. Các công cụ và công nghệ AI không chỉ nâng cao hiệu quả và độ chính xác mà còn mở ra những cơ hội mới để cá nhân hóa các chiến dịch marketing và cải thiện trải nghiệm khách hàng.