Việt Nam xuất siêu 10 tỷ USD
Nửa đầu tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 12,7 tỷ USD; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD. Tính đến trung tuần tháng 8, Việt Nam đạt mức xuất siêu 10 tỷ USD.
Trước sự quay trở lại của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam những tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua, đã mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố, nửa đầu tháng 8 (1-15/8), tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt gần 12,7 tỷ USD; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/8, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 160,2 tỷ USD, tăng khoảng 1,8%, tương đương gần 3 tỷ USD so với cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, nhập khẩu đạt 150,2 tỷ USD, giảm khoảng 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính đến trung tuần tháng 8, Việt Nam đạt mức xuất siêu 10 tỷ USD.
Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp có dấu hiệu khởi sắc thời gian gần đây.
Sau khi đạt kim ngạch xuất khẩu 24,87 tỷ USD trong tháng 7 vừa qua và là tháng có trị giá xuất khẩu cao thứ hai từ trước đến nay (chỉ đứng sau trị giá xuất khẩu của tháng 8/2019), kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 8 vẫn duy trì tín hiệu tích cực.
Trong kỳ 1 tháng 8, một số mặt hàng xuất khẩu đáng chú ý như: điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,58 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,9 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,36 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,11 tỷ USD; giày dép các loại đạt 652 triệu USD…
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU.
Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, đặc biệt là đối với những mặt hàng có nhiều lợi thế như: dệt may, da giày, đồ gỗ, nông, thủy sản.
Thực tế hiện nay, để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đang triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm mở rộng thị trường cho nông sản.
Đơn cử, mới đây nhất, ngày 20/8, Bộ Công Thương đã phối hợp với một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tổ chức "Hội thảo tập huấn trực tuyến - kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài".
Bộ Công Thương mong muốn không chỉ đẩy mạnh được xuất khẩu mà còn xây dựng được đội ngũ DN có năng lực sản xuất - kinh doanh, có năng lực đáp ứng được các yêu cầu thị trường nước ngoài. Đồng thời, thông qua Đề án này, có thể kết nối được các nhà phân phối nước ngoài với các địa phương nhằm đưa được sản phẩm đặc trưng của địa phương vào hệ thống của họ.
Trường DuyNgày 28/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.