Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD trong tháng đầu năm
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 giảm 4,3%. Trong tháng 1, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1 đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 49,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 xuất siêu 3,03 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,43 tỷ USD.
Về thị trường hàng hóa tháng 1, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,6 tỷ USD.
Cụ thể, xuất siêu sang Mỹ đạt 8,5 tỷ USD giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 2,7 tỷ USD, giảm 17,9%; xuất siêu sang Nhật Bản 0,3 tỷ USD, tăng 16,4%. Nhập siêu từ Trung Quốc 5,8 tỷ USD, giảm 19,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 1,9 tỷ USD, tăng 2,8%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, tăng 241,3%.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1 năm nay có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số ngày làm việc ít hơn tháng 1 năm trước 5 ngày. Từ đó dẫn đến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm nhẹ. Song, kết quả vẫn khá tích cực và là động lực cho các tháng tiếp theo.
Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa hưởng lợi nhưng cũng khiến vô hiệu hóa lợi ích thuế quan nếu hàng hóa không đáp ứng xuất xứ.
Bộ Công Thương cho biết: Bộ này sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định cam kết quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để đảm bảo hiệu quả việc xác minh xuất xứ, giúp C/O được chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O triển khai tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, giải đáp tình huống thực tế; đồng thời kiểm tra, uốn nắn, hướng dẫn kịp thời. Doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O ưu đãi như công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.
Minh An (t/h)Theo Tổng cục Thống kê, dù số ngày làm việc ít hơn cùng kỳ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2025 vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.