VietABank: Nợ nhóm 4 tăng đến 698 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm

Ngân hàng
03:08 PM 14/08/2023

Hết quý 2/2023, khối nợ xấu của VietAbank lên mức 1.660 tỷ đồng, tăng 73% so với đầu năm. Đáng chú ý, việc gia tăng nợ xấu của nhà băng này đến từ việc nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng đến 698 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Á (VietABank) được thành lập vào ngày 04/07/2003 trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức tín dụng đã hoạt động lâu năm trên thị trường tiền tệ, tài chính Việt Nam: Công ty tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn Đà Nẵng. Đồng thời, ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 71 tỷ đồng lên 115 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2009 - 2011, VietABank thực hiện tăng vốn điều lệ lên 3.098 tỷ đồng. Đến năm 2019, vốn điều lệ đã được tăng lên mức 5.005 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, vốn điều lệ của công ty là 5.399,6 tỷ đồng. Ngân hàng có 1.560 cán bộ công nhân viên.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 vừa công bố của ngân hàng này có nhiều điểm đáng lưu ý.

VietABank: Nợ nghi ngờ tăng "phi mã", mỗi ngày tăng thêm hàng tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 1.

Tổng chung, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của VietABank đạt 523 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh Internet)

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đạt 19 tỷ đồng, tăng 21,44% so với cùng kỳ năm trước. Thu lãi thuần đạt 878,2 tỷ đồng, tăng 33,23% so với cùng kỳ năm 2022.  Lãi thuần từ dịch vụ tăng 16% lên gần 37 tỷ đồng, nhờ tăng thu từ dịch vụ thanh toán.

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu được khoản lãi hơn 36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ thu được gần 4 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác giảm đến 87%, còn gần 39 tỷ đồng. Nguồn thu ngoài lãi cũng sụt giảm như lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 76%.

Thêm vào đó, chi phí hoạt động tăng 20%, ghi nhận 436 tỷ đồng, do tăng chi phí cho nhân viên. Tổng chung, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của VietABank đạt 523 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch 1.275 tỷ đồng lãi trước thuế năm 2023, VietABank mới thực hiện được 41%.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng giảm là do các chi phí liên quan đến hoạt động quản lý tăng mạnh như chính thức vận hành Core Banking phiên bản mới; Tăng cường nhân sự cấp cao cho hoạt động kinh doanh; Cải tạo, sửa chữa hệ thống các điểm giao dịch trên toàn hệ thống nên lợi nhuận trước thuế chưa đạt mục tiêu đề ra.

Tính đến cuối tháng 6/2023, VietABank có quy mô tổng tài sản đạt 104.583 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 84.092 tỷ đồng, tăng 26,65% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 102,37% kế hoạch năm 2023. Dư nợ cho vay đạt 66.669 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu cuối quý 2 tăng 73% so với đầu năm, lên mức 1.660 tỷ đồng. Đáng chú ý, việc gia tăng nợ xấu của nhà băng này đến từ việc nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng đến 698 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Tính trung bình, mỗi ngày trong nửa đầu năm 2023, VietABank có thêm 3,8 tỷ nợ xấu. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng vọt từ 1,53% đầu năm lên 2,49%. Ngày 30/06/2023, VietABank ghi nhận 4.243 tỷ đồng nợ khó đòi đã xử lý. Đồng thời, ngân hàng không còn ghi nhận trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Trong số nợ có khả năng mất vốn của VietABank có khoản nợ của Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và Phát triển nhà Vicoland (có địa chỉ tại 54 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội); được biết, ngày 30/11/2020 khoản nợ này đã chuyển sang nhóm nợ 3, ngày 31/10/2021 chuyển nhóm nợ 4, tính đến cuối tháng 5/2023 Vicoland vẫn đang nợ VietABank 500 tỷ đồng, thuộc nhóm nợ 5 (dư nợ có khả năng mất vốn).

Quý 2, dù đã giảm 49% dự phòng rủi ro, chỉ còn trích gần 8 tỷ đồng, VietABank vẫn giảm 1% lợi nhuận trước thuế, còn gần 278 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm, ngân hàng trích 38 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,7 lần cùng kỳ.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn