Vietbank đặt kế hoạch tăng lợi nhuận 46% trong năm 2023

Ngân hàng
02:53 PM 19/04/2023

Về kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, Vietbank đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng trưởng 12% trong năm 2023, lên mức 125.000 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế sẽ tăng từ mức 656 tỷ đồng lên 960 tỷ đồng, tương đương tăng 46%.

Trong năm 2023, Vietbank đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng trưởng 12% trong năm 2023, lên mức 125.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ cho vay dự kiến đạt 75.600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022. Huy động từ khách hàng (bao gồm cả chứng chỉ tiền gửi) dự kiến tăng trưởng 17%, lên mức 95.000 tỷ đồng. 

Lợi nhuận trước thuế sẽ tăng từ mức 656 tỷ đồng lên 960 tỷ đồng, tương đương tăng 46%. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ ở mức dưới 2,5%.

Vietbank đặt kế hoạch tăng lợi nhuận 46% trong năm 2023 - Ảnh 1.

Tính đến 31/12/2022, Vietbank đã phát hành 2.342 tỷ trái phiếu tăng vốn cấp 2 và 2.780 tỷ đồng trái phiếu/chứng chỉ tiền gửi góp phần tăng quy mô nguồn vốn. Ảnh Internet

Năm 2022 được đánh giá là một năm khó khăn chung của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng, tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank – VBB), ngân hàng này vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh ấn tượng.

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản của Vietbank đạt 111.307 tỷ đồng, tăng trưởng 7,7% so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 7.929 tỷ đồng) và hoàn thành 96,8% kế hoạch. Trong đó, tổng dư nợ cấp tín dụng chiếm 61% trong tổng tài sản. Cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời và luôn duy trì ở mức trên 90%.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 67.541 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2021 (tương đương tăng 10.862 tỷ đồng) và hoàn thành 104% kế hoạch. Trong đó, đầu tư trái phiếu Tổ chức kinh tế là 3.908 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 25,9% so với tại thời điểm 31/12/2021 và đạt gần 63.650 tỷ đồng. 

Chất lượng tín dụng của Vietbank luôn duy trì ở mức tốt và nợ xấu dưới 3% (tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2022 của Vietbank theo Thông tư 11 của NHNN là 2,47%).

Quy mô huy động vốn đạt 81.110 tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm 2021 (tương đương tăng 6.720 tỷ đồng) và hoàn thành 96,6% kế hoạch. Trong đó, phát hành giấy tờ có giá là 5.122 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng tăng 13,8% so với tại thời điểm 31/12/2021 đạt gần 76.000 tỷ đồng. 

Vietbank đa dạng hóa nguồn vốn huy động, đảm bảo tính ổn định, an toàn thanh khoản, góp phần cải thiện chi phí vốn ở mức hợp lý và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bền vững.

Tính đến 31/12/2022, Vietbank đã phát hành 2.342 tỷ trái phiếu tăng vốn cấp 2 và 2.780 tỷ đồng trái phiếu/chứng chỉ tiền gửi góp phần tăng quy mô nguồn vốn, cải thiện cơ cấu vốn tự có, đảm bảo tuân thủ tốt các chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN. 

Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) đạt 63,6% và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 33,1% so với mức quy định của NHNN tối đa lần lượt là 85% và 34%.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietbank năm 2022 đạt 656 tỷ đồng, hoàn thành 82,0% kế hoạch do HĐQT giao, tăng trưởng 3,2% so với năm 2021.

Thu nhập thuần từ lãi đạt 1.811 tỷ đồng (chiếm 77,9% tổng thu nhập hoạt động) tăng 21,8% so với năm 2021. 

Thu nhập ngoài lãi đạt 514 tỷ đồng giảm 33,4% so với năm 2021 và chiếm 22,1% tổng thu nhập hoạt động. Trong đó, đóng góp từ thu nhập dịch vụ thuần tăng 28,4% đạt 122 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi gấp 5 lần năm trước và đạt mức 56 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác đạt 275 tỷ đồng tăng 45,1% so với năm trước. 

Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận giảm 87% so với năm trước từ 475,6 tỷ đồng xuống 61,7 tỷ đồng, nguyên nhân do thị trường trái phiếu Chính phủ năm 2022 bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực như: Lạm phát, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất tăng... nên Vietbank điều chỉnh chiến lược thận trọng, giữ ổn định danh mục trong thời gian còn lại của năm 2022.

Chi phí hoạt động năm 2022 là 1.368 tỷ đồng tăng 19,7% so với năm 2021 (tương đương tăng 225 tỷ đồng).

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 37,3% xuống còn 300,9 tỷ đồng do Vietbank kiểm soát tốt chất lượng các khoản nợ vay.

Trong năm 2022, Vietbank đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro số tiền 610.049 triệu đồng và hạch toán ngoại bảng để theo dõi thu hồi. Đối với các khoản đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro từ trước năm 2022, Vietbank vẫn tiếp tục hạch toán ngoại bảng và vẫn đang theo dõi để thu hồi nợ. Bằng các biện pháp xử lý, trong năm 2022 Vietbank đã thu hồi được 106.282 triệu đồng nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.

Đến thời điểm 31/12/2022, số liệu nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là 537.619 triệu đồng, tăng ròng 503.767 triệu đồng so với đầu năm. Vietbank không phát sinh việc sử dụng dự phòng để xử lý tổn thất về tài sản đối với khoản nợ.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Cung không gặp cầu, giá chung cư sẽ "bình thường trở lại" Cung không gặp cầu, giá chung cư sẽ "bình thường trở lại"

Theo nhiều chuyên gia, giá chung cư sẽ bình thường trở lại sau một thời gian tăng nóng do cung không gặp được cầu, giá nhà quá cao, khiến người mua không thể thu xếp nguồn tài chính...