Vietjet và Vietnam Airlines nối lại một số đường bay quốc tế từ 1/4, Cục Hàng không kiến nghị 3 giai đoạn mở cửa đường bay quốc tế
Qua nghiên cứu, xem xét tình hình tiêm phòng văc-xin trên thế giới cũng như việc tìm hiểu về "hộ chiếu vắc-xin" và ứng dụng IATA Travel Pas (ITP), Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ GTVT và kiến nghị Kế hoạch triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam gồm ba giai đoạn.
Mở lại một số đường bay quốc tế từ 1/4
Với mục tiêu khôi phục dần mạng đường bay quốc tế một cách an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách và góp phần tái phát triển nền kinh tế, du lịch, hai hãng hàng không Vietjet và Vietnam Airlines thông báo nối lại một số đường bay quốc tế.
Theo đó, từ 1/4/2021, Vietjet khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ đến Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Narita, Nhật Bản), Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc)...
Cụ thể, các chuyến bay từ TP.HCM đi Bangkok (Thái Lan) khởi hành thứ Sáu hàng tuần. Chuyến bay từ Hà Nội đi Seoul (Incheon, Hàn Quốc) dự kiến khởi hành ngày 15/4/2021; Các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo (Narita, Nhật Bản) dự kiến khởi hành ngày 6, 7, 10, 11, 12, 13, 14, 19, 20, 23, 26, 29, 30/4/2021; Các chuyến bay từ Hà Nội đi Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) dự kiến khởi hành ngày 11/4/2021.
Trong khi đó, từ ngày 01/4/2021 đến 30/6/2021, Vietnam Airlines sẽ mở rộng kế hoạch khai thác thường lệ đến 04 đường bay quốc tế gồm Hà Nội – Narita (Tokyo, Nhật Bản), Hà Nội – Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Hà Nội – Sydney và TP.HCM – Sydney (Úc).
Cụ thể, kế hoạch khai thác các chuyến bay quốc tế như sau:
Các chuyến bay từ Hà Nội đi Seoul sẽ khởi hành vào thứ Năm hàng tuần; Các chuyến bay từ Hà Nội đi Tokyo sẽ khởi hành vào các ngày 3,8,11,16,23,27,29 trong tháng 4/2021. Tháng 5,6/2021, tần suất khai thác 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ Năm và thứ Bảy; Các chuyến bay từ Hà Nội đi Sydney khởi hành vào thứ Bảy hàng tuần; Các chuyến bay từ TP.HCM đi Sydney khai thác 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ thứ Năm và Chủ Nhật.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng dự kiến triển khai các chuyến bay trọn gói từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Việc thực hiện những chuyến bay này phụ thuộc vào cấp phép của các cơ quan chức năng.
Hiện tại, theo quy định nhập cảnh của các nước, các chuyến bay từ Việt Nam chỉ phục vụ nhu cầu của người Việt đi học tập, lao động, thăm thân ở nước ngoài, người nước ngoài từ Việt Nam về nước và phù hợp với các quy định về nhập cảnh của các nước. Hành khách cần chủ động tham khảo các quy định nhập cảnh được thông báo chính thức bởi Đại sứ quán các nước để đảm bảo các giấy tờ, thủ tục cần thiết. Vietnam Airlines cho biết sẽ không chịu trách nhiệm trong trường hợp khách bị từ chối nhập cảnh.
Các chuyến bay chuyên chở hành khách từ nước ngoài về Việt Nam sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam, theo kế hoạch đã được phân bổ bởi Cục Hàng không, Bộ Ngoại giao.
Với vai trò là thành viên của IATA, Vietjet đã tham gia xây dựng với các nhà chức trách Việt nam và quốc tế để triển khai giải pháp IATA Travel Pass - "hộ chiếu vaccine" sớm đảm bảo vận chuyển hành khách an toàn, kiểm soát hiệu quả, đơn giản thủ tục, sẵn sàng đón khách, cho cuộc sống bình yên sớm trở lại.
Cục Hàng không để xuất Kế hoạch triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc nghiên cứu, thúc đẩy việc nối lại chuyến bay quốc tế thường lệ tới các nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện "mục tiêu kép" và đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản, thiết yếu của công dân.
Qua nghiên cứu, xem xét tình hình tiêm phòng văc-xin trên thế giới cũng như việc tìm hiểu về "hộ chiếu vắc-xin" và ứng dụng IATA Travel Pas (ITP), Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Bộ GTVT và kiến nghị Kế hoạch triển khai các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam gồm ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo). Giai đoạn 2 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam có cách ly sau khi nhập cảnh. Giai đoạn 3 triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế "hộ chiếu vắc-xin".
Đối với giai đoạn 1, đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, địa phương tiếp nhận cách ly tại khách sạn tổ chức chuyến bay sau khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia) với chi phí trọn gói gồm vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly và ăn trong 15 ngày, phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly… Thị trường triển khai theo đề nghị của hãng hàng không Việt Nam. Thời gian thực hiện được triển khai ngay đồng thời với các chuyến bay giải cứu công dân do Chính phủ tổ chức (công dân về cách ly tại các cơ sở cách ly quân đội). Tần suất khai thác các chuyến bay sẽ được thực hiện theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương và chỉ được cấp phép bay sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất.
Giai đoạn 2 đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam và người nước ngoài. Hãng hàng không đệ trình kế hoạch bay phải bao gồm phương án tiếp nhận hành khách cách ly được phê duyệt của địa phương nơi có cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay. Thị trường triển khai ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan với tần suất 04 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.
Ở giai đoạn này, hành khách thanh toán cho hãng hàng không hoặc đối tác được chỉ định trọn gói dịch vụ gồm: tiền vé máy bay, chi phí cách ly 15 ngày tại các khách sạn của địa phương nơi có cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay, chi phí phương tiện mặt đất đón từ sân bay tới khách sạn cách ly, tiền ăn tiêu chuẩn 3 bữa/ngày, chi phí xét nghiệm Covid-19 theo quy định, các chi phí phát sinh khác (nếu có) hành khách sẽ thanh toán tại khách sạn cách ly.
Mỗi chuyến bay định hướng bố trí hành khách nhập cảnh lưu trú 2-3 khách sạn để công tác giải tỏa hành khách được tập trung, nhanh chóng. Giai đoạn này, hành khách không yêu cầu phải có xét nghiệm Covid-19. Thời gian triển khai từ tháng 7 năm 2021 và tiến hành đồng thời với các chuyến bay trọn gói (combo) được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chở công dân Việt Nam về nước từ các thị trường khác ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Giai đoạn 3 dự kiến triển khai từ tháng 9 năm 2021 tùy thuộc vào tiến trình tiêm vắc-xin tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vắc-xin đại trà trong xã hội. Thị trường khai thác được thực hiện là các quốc gia/vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 của cùng loại vắc-xin mà Việt Nam đã công bố để áp dụng rộng rãi trong lãnh thổ Việt Nam với tần suất 07 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.
Ở giai đoạn này, không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real -Time PCR trong thời gian 03-05 ngày trước khi nhập cảnh Việt Nam và Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế do các cơ sở tiêm chủng được Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc hệ thống cơ sở tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với loại vắc-xin phòng Covid-19 được Việt Nam công nhận tính hiệu quả để triển khai áp dụng tại Việt Nam.
Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và tự cách ly tại nơi cư trú từ 7-14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hành khách không có đủ Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và Giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế phải cách ly đủ 14 ngày theo hình thức chi phí trọn gói (tương tự chuyến bay combo).
Châu CaoCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.