Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Hết "săn" khuyến mãi 0 đồng, hạn chế cạnh tranh, người tiêu dùng chịu thiệt?
Lý do Hãng Hàng không Quốc gia đưa ra là để giúp các hãng bay trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều thời điểm giá vé máy bay chạm đáy.
Mới đây, trong buổi làm việc với Cục Hàng không, Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay, thay vì mức 0 đồng như hiện tại. Lý do được hãng Hàng không Quốc gia đưa ra là để giúp các hãng bay trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều thời điểm giá vé máy bay chạm đáy.
Cụ thể, Vietnam Airlines đề xuất 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa:
Phương án 1, giá sàn Vietnam Airlines đề xuất đối với các đường bay dưới 500km là 414.000 đồng, các đường bay từ 500-850km là 570.000 đồng, các đường bay từ 850-1.000km là 755.000 đồng, các đường bay từ 1.000-1.280km là 804.000 đồng và các đường bay từ 1.280km trở lên là 917.000 đồng.
Hãng đề xuất dựa trên chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019.
Phương án 2, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500km cho đến 1.280 km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng. Mức giá Vietnam Airlines đưa ra bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất.
Còn với giá trần, hãng này đề xuất tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500km đến 1.280 km trở lên. Mức giá trần đề xuất thấp nhất là 1,6 triệu đồng, cao nhất là 4 triệu đồng với mức giá tương ứng là 1,6-3,75 triệu đồng như hiện tại. Giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế - xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500km.
Chính sách vé 0 đồng thường được các hãng bay giá rẻ như Vietjet Air sử dụng để thu hút khách hàng.
Như vậy, nếu tính theo đề xuất này, giá vé khứ hồi rẻ nhất mà khách có thể phải trả là khoảng 2,38 triệu đồng (theo phương án 1, chưa kể thuế, phí) hay 1,608 triệu đồng (theo phương án 2, chưa kể thuế, phí). Trong khi đó, hiện tại, với các khuyến mãi giá vé máy bay siêu rẻ hoặc chỉ 0 đồng, tính cả thuế, phí, hành khách chỉ phải trả khoảng 900.000 đến trên dưới 1 triệu đồng/người/chặng (tùy từng hãng).
Vì thế, nếu đề xuất này được chấp thuận, các chương trình khuyến mãi giá vé máy bay 0 đồng hoặc giá siêu rẻ, 9.000 đồng, 19.000 đồng, 26.000 đồng... (chưa gồm thuế, phí) cũng sẽ biến mất.
Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá của Bộ Tài chính, cho rằng việc áp giá sàn là một trong những biểu hiện của hạn chế cạnh tranh.
"Thị trường hàng không cũng như thị trường xăng dầu, chưa có cạnh tranh thực sự, do có một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%. Theo Luật giá, nhà nước chỉ áp giá trần, mà không áp giá sàn. Việc áp giá sàn không khuyến khích cạnh tranh và không có lợi cho người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Long nói với VTC.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng”. Nói cách khác, việc áp giá sàn không phù hợp với quy luật cung cầu, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.
Trên thế giới, một số nước từng áp dụng giá sàn vé máy bay như Trung Quốc, nhưng năm 2013 đã bỏ giá sàn. Trước đó, vào tháng 3/2017, Vietnam Airlines cũng từng gửi Bộ Giao thông Vận tải phương án áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa nhưng không được chấp thuận.
Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.