Vĩnh Lộc - Thanh Hóa: Vượt lên khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Sự kiện
09:02 AM 22/05/2020

Cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, kinh tế huyện Vĩnh Lộc chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Dịch bệnh khiến nhiều ngành nghề bị tổn thất, an sinh xã hội gặp khó khăn. Chính vì vậy, những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ, của tỉnh, của huyện và nhân dân, doanh nghiệp mới có thể giúp họ cầm cự, vượt qua những khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

    Huyện Vĩnh Lộc đón Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới

    Là một huyện trung du của tỉnh Thanh Hóa, Vĩnh Lộc không nằm ngoài tác động và hiệu ứng của dịch bệnh đến đời sống, kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều lĩnh vực bị chững lại. Thể hiện rõ ở một số ngành, như: thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, giải trí, du lịch... Riêng hoạt động du lịch gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên số khách giảm 20% so với cùng kỳ. 

    Trước bối cảnh đó, cùng với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, huyện tập trung bàn thảo đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, nỗ lực cao nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện - cho biết: Kịch bản tăng trưởng kinh tế được UBND huyện xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích tình hình dịch bệnh tác động trực tiếp, gián tiếp tới các ngành, nghề của nền kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Để giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã giao cần chủ động tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân và sự hưởng ứng của toàn xã hội tới quyết tâm cao nhất.

    Trong đó nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, là nỗ lực cao nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đặt lên hàng đầu. Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, huyện triển khai kịp thời, thực hiện nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống tối thiểu, tái sản xuất sức lao động cho người dân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

    Tuy nhiên, kinh tế của huyện Vĩnh Lộc tiếp tục tăng trong quý I năm 2020, dù có những thách thức trong và ngoài nước do tác động của dịch COVID-19. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định. Diện tích gieo trồng vụ Chiêm xuân đến tháng 3/2020 đạt 6.776,4 ha, vượt 0,9% KH; trong đó, diện tích lúa, ngô, khoai, lạc, rau đậu các loại đều vượt kế hoạch và cho năng suất khá cao.

    Với việc thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn đều vượt KH. Toàn huyện chuyển đổi được 172,72 ha, vượt 43,9% KH. Cụ thể: chuyển sang trồng cây ăn quả 5,84 ha; chuyển sang cá - lúa nuôi trồng thủy sản 2,34 ha, chuyển sang trồng rau màu 151,32 ha. Thực hiện trồng 76,1 ha chuối tiêu hồng tại các xã trong huyện, hiện cây chuối đang sinh trưởng phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao. Giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) ước đạt 13,4 tỷ đồng, đạt 24,5% KH năm, tăng 14,% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác ước đạt 23,8 tấn, sản lượng nuôi ước đạt 454,4 tấn.

    Đặc sản chè Lam Phủ Quảng - Vĩnh Lộc

    Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) tiếp tục được huyện tập trung chỉ đạo, trọng tâm là các xã Vĩnh Tiến, Minh Tân, đồng thời rà soát các tiêu chí và xây dựng kế hoạch để thực hiện tiêu chí NTM nâng cao trong năm 2020. Tập trung triển khai chương trình OCOP huyện Vĩnh Lộc năm 2020. Riêng trong quý I, sản phẩm Chè lam Phủ Quảng là một trong 16 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao. Như vậy, đến nay toàn huyện có 02 loại sản phẩm (Rượu sâm Báo và Chè lam Phủ Quảng) đạt hạng 3 sao thuộc chương trình OCOP (tại Quyết định 1048/QĐ-TTg này 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ) được dư luận xã hội và người tiêu dùng ghi nhận.

     Điểm mạnh của Vĩnh Lộc trong quý I nữa là: Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện cơ bản vẫn duy trì sản xuất ổn định. Giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN, ước đạt 617,5 tỷ đồng, đạt 24,3% so với KH, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng khá so với cùng kỳ như: gạch xây tăng 19%, quần áo may sẵn tăng 7%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 15,5 triệu USD, đạt 23,9% KH năm và tăng 3,6% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu ước đạt 7,9 triệu USD.

    Trong 4 tháng đầu năm 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung, rà soát đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I năm học 2019-2020, hoàn thành xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục năm học 2020-2021; tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; 100% trường học, cơ sở giáo dục đã thực hiện việc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh sạch sẽ trường lớp đảm bảo theo quy định.

    Mặc dù hoạt động văn hóa - thông tin có nhiều cố gắng, tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và địa phương, đặc biệt là tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19. Song dịch bệnh COVID-19 đã làm cho các hoạt động văn hóa, thể thao tại các khu di tích, điểm du lịch bị dừng lại hạn chế về quy mô tổ chức.

    Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động như: sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn nhập khẩu đầu vào, tiêu thụ đầu ra, nhất là thị trường châu Âu. Khan hiếm nguyên liệu, khó bán sản phẩm. Khảo sát về ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đối với cộng đồng doanh nghiệp của VCCI Thanh Hóa cho thấy: Thị trường bị thu hẹp, hơn 66% doanh nghiệp được khảo sát thiếu vốn để kinh doanh; hơn 50% doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, gần 17% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm…

    Đưa ra những con số lạc quan nhưng Chủ tịch UBND huyện vẫn tỏ ra thận trọng và lưu ý: “Vẫn còn những rủi ro, thách thức ảnh hưởng đến phát triển kinh tế huyện Vĩnh Lộc. Mặc dù nhiều lĩnh vực vẫn có bước phát triển. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp duy trì mức độ tăng trưởng, huy động vốn đầu tư phát triển và huy động vốn tín dụng tăng so với cùng kỳ, xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng khá. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên, chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Trong khi đó, huyện đã chủ động, tích cực, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, không để dịch xảy ra trên địa bàn.

    An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh tình hình chung của cả nước. Tuy nhiên, Vĩnh Lộc xác định tiếp tục thực hiện quyết liệt với những đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn”.

    Triều Nguyệt

    Ý kiến của bạn
    Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

    Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.