Vĩnh Lộc: Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội sau một nhiệm kỳ
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI tạo nên những thành quả mang tính đột phá trên nhiều lĩnh vực.
Tiềm năng và lợi thế

Một góc huyện Vĩnh Lộc.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020-2025, trong điều kiện hết sức khó khăn, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã nỗ lực cụ thể hóa chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy triển khai các Chương trình, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương; đổi mới phương thức lãnh đạo, quyết liệt trong hành động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh.
Cùng với đó là sự đoàn kết, nỗ lực, tập trung quyết liệt của Đảng bộ, Chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra và đạt được kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Nét nổi bật trong nhiệm kỳ qua, đã có 20/25 chỉ tiêu về kinh tế -xã hội hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu Đại hội đề ra; nổi bật là kinh tế có bước tăng trưởng khá và phát triển đồng đều trên các lĩnh vực; thu nhập bình quân đầu người tăng 9,49% so với năm 2020; có thêm 2 cơ sở sản xuất công nghiệp mới đi vào hoạt động; thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán tỉnh giao; huy động vốn cho đầu tư phát triển tăng cao, gấp 2 lần so với giai đoạn 2016-2020; đồng thời tranh thủ được các nguồn vốn của cấp trên để khai thác đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, mở ra không gian mới cho huyện phát triển…
Vĩnh Lộc nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Thanh Hóa; là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa; có nhiều di tích được xếp hạng (251 di tích, trong đó: 01 di sản văn hóa thế giới, 13 di tích cấp quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh), nổi bật là Di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ, phủ Trịnh, Danh lam thắng cảnh núi Kim Sơn, nếu được đầu tư tu bổ, phục dựng sẽ có nhiều giá trị cao trong phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.

Di sản văn hóa thế giới thành Nhà Hồ.
Cùng với việc làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, huyện Vĩnh Lộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch được du khách ưa thích trên địa bàn Vĩnh Lộc.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú (hiện có 16 mỏ đá, 6 mỏ đất đang được cấp phép hoạt động khai thác) rất thuận lợi trong phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng. Mặt khác,Vĩnh Lộc có nguồn lao động dồi dào thuận lợi trong việc phát triển các ngành công nghiệp sử dụng lao động như ngành may, giày da.…
Xét tổng quan, Vĩnh Lộc là huyện có quy mô nhỏ (với khoảng 23% là đất đồi núi), cùng với diện tích ở thị trấn và 05 xã phía Tây Bắc của huyện: Vĩnh Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Ninh Khang, cơ bản nằm trong Quy hoạch tổng thể Thành Nhà Hồ và vùng lân cận (cơ bản quy hoạch là bảo tồn), nên không gian phát triển của huyện rất hạn chế, quỹ đất khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư không nhiều.
Những kết quả đạt được

Đường làng ngõ xóm trên địa bàn huyện được xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong huyện vẫn phát huy truyền thống cách mạng, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện. Có 20/25 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Đại hội đề ra bao gồm các lĩnh vực: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2025 ước đạt 6,54%. Quy mô giá trị sản xuất năm 2025 ước đạt 11.572 tỷ đồng, gấp 1,58 lần năm 2020; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 71,31 triệu đồng, gấp 1,57 lần năm 2020, vượt 6,31 triệu đồng so với mục tiêu Đại hội.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển toàn diện, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ước đạt 3,59%; năm 2025 ước đạt 3.026 tỷ đồng, gấp 1,3 lần năm 2020; sản lượng lương thực bình quân đạt 69.956 tấn; tích tụ được 792 ha đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, vượt mục tiêu Đại hội. Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất canh tác năm 2025 ước đạt 148 triệu đồng, vượt mục tiêu Đại hội, tăng 8% so với năm 2020.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng, công nhận lại, trong đó, có 01 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Sản xuất Công nghiệp - Xây dựng có mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm tăng 7,86%; giá trị sản xuất năm 2025 ước đạt 3.417 tỷ đồng, gấp 1,73 lần năm 2020. Tốc độ giá trị sản xuất ngành xây dựng bình quân hàng năm tăng 8,44%; giá trị sản xuất năm 2025 ước đạt 2.326 tỷ đồng, gấp 1,74 lần năm 2020. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng cao. Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển. Huyên tiếp tục thành lập mới Cụm Công nghiệp Vĩnh Hòa; hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy Giày Hiệp Thăng (xã Vĩnh hung) và nhà máy may xuất khẩu HUG (xã Minh Tân).
Dịch vụ du lịch bước đầu đạt kết quả tích cực, bình quân hàng năm đón 294.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 74 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ vận tải ước đạt 185 tỷ, gấp 1,5 lần so với năm 2020.
Thu ngân sách Nhà nước hàng năm luôn vượt dự toán, tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 ước đạt 3.778 tỷ đồng, trong đó, thu tại địa bàn ước đạt 1.117 tỷ đồng; tỷ lệ tăang thu ngân sách bình quân hằng năm tăng 27,6% so với dự toán tỉnh giao. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 3.415 tỷ đồng, trong đó; chi đầu tư phát triển 1.087 tỷ đồng, chiếm 31,83%; chi thường xuyên ước đạt 2.327 tỷ đồng, chiếm 68,1%.

Nông thôn mới đã mang đến một diện mạo mới cho những làng quê nơi đây.
Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong tâm là hạ tầng giao thông nông thôn là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời huy động các nguồn lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã được quan tâm thực hiện, tổng vốn đầu tư xây dựng và phát triển giai đoạn 2021-2025 ước đạt 11.373 tỷ đồng, gấp 02 lần giai đoạn 2016-2020.
Trong 5 năm đã thu hút được 197 dự án với tổng mức đầu tư 1.868 tỷ đồng, nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn. Một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Theo đó, không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, nông thôn từng bước được cải thiện, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; chất lượng đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.
XD NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phát triển đô thị và công tác chuyển đổi số đạt kết quả tích cực. Huyện đã huy động được 1.220 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 510 tỷ đồng, hiến 13.247 m2 đất làm đường giao thông. Dự kiến đến hết năm 2025, toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 2 xã NTM kiểu mẫu, 44 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Công tác chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo thực hiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh...
Việc triển khai thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở theo tinh thần Chỉ thị 22-CT/TU đạt kết quả nổi bật, hoàn thành sớm kế hoạch và vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Nhìn lại những kết quả nổi bật đạt được trong nhiệm kỳ qua là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng các lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trong toàn huyện, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, đưa Vĩnh Lộc ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.
Triều Nguyệt
Giá xăng trong nước ngày mai (15/5) có khả năng đảo chiều tăng sau 2 phiên giảm liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể tăng 350-500 đồng/lít còn giá dầu diesel tăng thêm 350-400 đồng/lít.