Vĩnh Long: 350 gian hàng đến từ 23 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL
Chiều 11/9, tại Sân khấu chính đường Võ Văn Kiệt, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long tổ chức Lễ khai mạc "Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Vĩnh Long năm 2023".
Phát biểu chào mừng khai mạc Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Đây cho biết, đây là hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng quan trọng nằm trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023... nơi gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền, đặc sản địa phương đồng thời thúc đẩy hoạt động giao thương, tăng cường liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư giữa các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, các tỉnh thành phố phía Nam và trên cả nước.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, Vĩnh Long luôn được đánh giá là vùng đất tiềm năng, sở hữu nhiều lợi thế kinh tế để trở thành một trong những trung tâm động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL. Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý ở trung tâm châu thổ ĐBSCL, nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi tạo điều kiện cho các hoạt động kết nối, giao thương với các tỉnh miền Nam, đồng thời đẩy mạnh phát triển một số ngành như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, dịch vụ, du lịch.
Hội chợ ngày hôm nay là cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh khu vực ĐBSCL, một khu vực phát triển kinh tế sôi động hàng đầu của cả nước; đồng thời tạo điều kiện các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã... tìm kiếm các nhà cung ứng,nguồn hàng tin cậy, chất lượng, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại trong nước góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển thị trường trong nước của ngành Công Thương.
Phát biểu khai mạc Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, Vĩnh Long là một tỉnh trung tâm của vùng ĐBSCL, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu của lưu vực châu thổ sông Mê Kông. Tỉnh Vĩnh Long được biết đến là một trong những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp và được khẳng định qua các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nổi tiếng, tạo nên vị thế thương hiệu riêng cho tỉnh như: bưởi 5 roi Bình Minh, Cam sành Tam Bình, sầu riêng Ri6, chôm chôm Bình Hòa Phước, khoai lang Bình Tân…
Cùng với sự đa dạng các mặt hàng nông sản là các sản phẩm chế biến từ nông sản, đến nay Vĩnh Long đã công nhận được 98 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao; về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hiện tỉnh có 118 sản phẩm cấp tỉnh, 18 sản phẩm cấp khu vực và 5 sản phẩm cấp quốc gia đã được công nhận trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động, trong những năm qua Chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và công tác xuất khẩu trên địa bàn tỉnh dù gặp nhiều khó khăn, nhất là khoảng thời gian cả nước tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống COVID-19.
Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 cơ bản được phục hồi tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 70.024 tỷ đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2020; Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 746,8 triệu USD, đạt 85% mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025 và gấp 1,24 lần so với năm 2020; Phấn đấu đến cuối năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 75.000 tỷ đồng; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2021 - 2023 tăng trưởng bình quân 6,18%/năm; quy mô nền kinh tế tăng 34% so với năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đánh giá, "Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - Vĩnh Long năm 2023" là cơ hội để các tỉnh, thành ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung giới thiệu, quảng bá những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội; là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tiếp thị quảng bá hình ảnh đến người tiêu dùng. Tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế, thương hiệu sản phẩm của các địa phương trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.