Vĩnh Long: Hội thảo Nâng tầm giá trị nông sản Việt

Địa phương
12:53 PM 12/09/2023

Nằm trong chuỗi sự kiện Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023, sáng 12/9, tại Hội trường khách sạn Sài Gòn - Vĩnh Long, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt".

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt" là sự kiện quan trọng, cần thiết để các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhà khoa học và nhà quản lý cùng trao đổi, bàn luận về xu hướng thị trường nông sản thế giới; chế biến và xuất khẩu nông sản; cách tiếp cận chuỗi giá trị; ứng dụng tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp chế biến, để mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị nông sản, hiệu quả tiêu thụ nông sản Vùng ĐBSCL.

Quang cảnh Hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt".

Quang cảnh Hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt".

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, Hội thảo cũng là nhịp cầu để nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý về kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quý báu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất và luận giải cơ sở khoa học của các định hướng, quan điểm, giải pháp trong nông nghiệp; từ đó tạo bước chuyển mới, góp phần nâng tầm giá trị nông sản, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nông dân.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt" đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của gần 300 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các trường Đại học, các cơ quan, địa phương trong và ngoài tỉnh. Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kỳ vọng qua Hội thảo này, Ban Tổ chức sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất các giải pháp cụ thể của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nhân... để nông sản của ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển lên những tầm cao mới.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt".

Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo "Nâng tầm giá trị nông sản Việt".

Đưa Nông sản ĐBSCL phát triển lên những tầm cao mới

Báo cáo đề dẫn về "Xu hướng thị trường nông sản thế giới và giải pháp nâng cao giá trị các nông sản chủ yếu ở ĐBSCL", PGS.TS. Võ Thành Danh - Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ đánh giá, bối cảnh nông nghiệp ĐBSCL hầu hết đều có lợi thế so sánh dựa trên tài nguyên nông nghiệp với nhiều ngành hàng như lúa, thuỷ sản, cây ăn trái, cây công nghiệp... tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Mekong, chưa chuyên môn hoá cao, sản xuất còn manh mún, chưa có nền nông nghiệp hàng hoá và chịu tác động của biến đổi khí hậu, cũng như khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản phát triển nhanh nhưng công nghệ chưa hiện đại nhiều, xuất khẩu nông sản thô là chủ yếu, nông sản GTGT chưa nhiều, hệ thống logistics chưa phát triển kịp yêu cầu và thiếu những công ty lớn đặt bản doanh tại vùng.

PGS.TS. Võ Thành Danh - Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ báo cáo đề dẫn tại hội thảo về "Xu hướng thị trường nông sản thế giới và giải pháp nâng cao giá trị các nông sản chủ yếu ở ĐBSCL".

PGS.TS. Võ Thành Danh - Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ báo cáo đề dẫn tại hội thảo về "Xu hướng thị trường nông sản thế giới và giải pháp nâng cao giá trị các nông sản chủ yếu ở ĐBSCL".

Về cung - cầu - thị trường nông sản, PGS.TS. Võ Thành Danh đánh giá, sản xuất "tự nhiên" là chính; thị trường nội địa bão hoà, thị trường quốc tế chưa nhiều do tiêu chuẩn nông sản còn thấp; liên kết cung - cầu còn yếu… dẫn đến kênh phân phối chưa phát triển cao. 

Bên cạnh đó, rủi ro và sự không chắc chắn của thị trường nông sản quốc tế do ảnh hưởng sự bất ổn của chính trị thế giới; chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển bởi chủ nghĩa bảo hộ quốc gia, chủ nghĩa dân túy (Mỹ, Trung Quốc…), và bị bẻ gãy bởi khủng hoảng quốc tế, khu vực… ngoài ra, nông sản ĐBSCL còn chịu tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0… điều này có lợi cho các quốc gia mạnh về công nghệ; nhiều loại nông sản (gạo, tôm, CAT…) bị phụ thuộc vào một vài người mua (quốc gia lớn) dẫn đến thị trường thuộc về người mua và tạo áp lực giảm giá nông sản.

Vĩnh Long có quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp thấp, dân số lại khá đông nên nông dân sản xuất trong điều kiện nhỏ lẻ, manh mún; từ đó khó hình thành các chuỗi liên kết để tiêu thụ.

Vĩnh Long có quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp thấp, dân số lại khá đông nên nông dân sản xuất trong điều kiện nhỏ lẻ, manh mún; từ đó khó hình thành các chuỗi liên kết để tiêu thụ.

Để nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL, PGS.TS. Võ Thành Danh cho rằng, cần có chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển sang mô hình Kinh tế nông nghiệp (Kinh doanh nông nghiệp); xây dựng các tập đoàn, tổng công ty mạnh về khoa học công nghệ; xây dựng ngành công nghiệp giống hiện đại. Bên cạnh đó, cần hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là hạt nhân và nông dân là các "vệ tinh". Ngoài ra, xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng; củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống HTX, liên kết giữa các công ty…

Chia sẻ tại hội thảo về "Nâng tầm giá trị Nông sản Việt", đại diện Vina T&T Group cho biết, Vina T&T Group là đơn vị xuất khẩu các loại trái cây tươi như: Xoài, nhãn, chôm chôm, dừa, vải, thanh long, sầu riêng, bưởi… sang thị trường khó tính (đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Hoa Kỳ). Theo đại diện Vina T&T Group, định vị mục tiêu phát triển trong bối cảnh mới cần định hướng phát triển bền vững đã được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh việc huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển bền vững.

Đại diện Vina T&T Group chia sẻ tại hội thảo về Nâng tầm giá trị Nông sản Việt.

Đại diện Vina T&T Group chia sẻ tại hội thảo về Nâng tầm giá trị Nông sản Việt.

Vina T&T Group là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu nông sản Việt vào thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường khó tính khác. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị "Nâng tầm giá trị Nông sản Việt", Vina T&T Group đề nghị cần tập trung tìm kiếm các giải pháp, nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về năng lực kỹ thuật và tính bền vững của Hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia về chất lượng được nâng cao; năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định kỹ thuật của các DNVN; thói quen đảm bảo chất lượng. 

Bên cạnh đó, Vina T&T Group cho rằng, nông nghiệp cần những chính sách mới hỗ trợ việc chuyển đổi để có thể chống chịu tốt hơn với các khó khăn, vượt qua các khủng hoảng nhanh hơn như: chính sách tập trung ruộng đất, chính sách hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách bình ổn giá các vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp, chính sách đào tạo nâng cao nhận thức cho lực lượng sản xuất và chính sách về sử dụng nước trong lưu vực.

Vĩnh Long có 8 HTX lĩnh vực thủy sản với diện tích 90 ha ao nuôi và 243 lồng bè. Doanh thu bình quân đạt 1.804 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 322 triệu đồng/HTX.

Vĩnh Long có 8 HTX lĩnh vực thủy sản với diện tích 90 ha ao nuôi và 243 lồng bè. Doanh thu bình quân đạt 1.804 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 322 triệu đồng/HTX.

Liên kết tiêu thụ chế biến và xuất khẩu nông sản hướng đến hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, Vĩnh Long nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, với tổng diện tích tự nhiên là 1.525,73 km². Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 119.878 ha, chiếm 78,57% diện tích tự nhiên. Tổng dân số năm 2021 là 1.022.719 người, mật độ dân số 670 người/km2. Vĩnh Long có khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu và gần như toàn bộ được khép kín bởi các công trình thủy lợi, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là trong canh tác cây lúa, cây ăn trái, rau màu, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp thấp, dân số lại khá đông nên nông dân sản xuất trong điều kiện nhỏ lẻ, manh mún; từ đó khó hình thành các chuỗi liên kết để tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long tham luận tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long tham luận tại Hội thảo.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long thông tin, đến ngày 31/12/2022, Vĩnh Long có 114 HTX nông nghiệp - thủy sản (trong đó có 8 HTX lĩnh vực thủy sản với diện tích 90 ha ao nuôi và 243 lồng bè), đã thành lập mới 13 HTX... Doanh thu bình quân đạt 1.804 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 322 triệu đồng/HTX. 

Ông Nguyễn Văn Liêm đánh giá, HTX chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu nông sản, HTX sẽ giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như cơ giới hóa đồng bộ để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và số lượng, đồng thời còn tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết, thuận lợi trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu nông sản, trên hết giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản và cuối cùng là nâng cao thu nhập cho nông dân.

Liên kết sản xuất - xuất khẩu giúp nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, trong thời gian tới Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất phát triển và tăng cường liên kết phải xuất phát từ quan điểm phát triển chuỗi nông sản, trước hết cần phải thống nhất đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu đến người dân và HTX. 

Ngoài ra, tỉnh chú trọng đào tạo gắn với quy hoạch nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các đối tượng tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long tin rằng, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ chế biến và xuất khẩu nông sản sẽ hướng đến hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển HTX trở thành nhân tố kinh tế quan trọng trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm kết nối các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị nhất là với doanh nghiệp; xây dựng các liên hiệp các HTX có cùng nhóm sản phẩm hoặc cùng tham gia chuỗi giá trị nhằm tăng quy mô, hiệu quả sản xuất.

 

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050

Theo ADB, dự kiến số người từ 60 tuổi trở lên ở Châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ tăng gần gấp đôi lên tới 1,2 tỷ người vào năm 2050—tương đương một phần tư dân số—làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.