Vĩnh Phúc: 4 phương án về dự báo tăng trưởng kinh tế địa phương năm 2021

Địa phương
03:53 PM 07/09/2021

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Vĩnh Phúc đã đưa ra 4 phương án về dự báo tăng trưởng kinh tế của địa phương năm 2021. Tình huống xấu nhất là tăng trưởng âm cũng được địa phương này tính đến.

Các phương án được đưa ra dựa trên căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hình mới. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 14,21% so với cùng kì năm 2020. Đây là mức tăng cao nhất so với vùng Đồng bằng sông Hồng, và cao thứ 3 toàn quốc (chỉ thấp hơn Hòa Bình, Ninh Thuận), đồng thời là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh cấp bách như hiện nay, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của cả nước nói chung, và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng sẽ có nhiều biến động, đòi hỏi các cấp ngành cần khẩn trương, quyết liệt áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan, triển khai tiêm phòng vắc xin cho toàn dân nhằm khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Vĩnh Phúc: Dự báo tăng trưởng kinh tế 2021 trước tình hình dịch phức tạp - Ảnh 1.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Vĩnh Phúc đã dự báo và đưa ra 4 phương án tăng trưởng kinh tế năm 2021

Trong tình thế này, tại cuộc họp báo thường kì tháng 8/2021 diễn ra sáng 7/9, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã cung cấp thông tin về 4 phương án dự báo tăng trưởng kinh tế của địa phương này trong năm 2021. Cụ thể như sau:

Phương án 1: Giả định dịch bệnh COVID-19 được Việt Nam khống chế trong quý 3/2021; số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dưới 1.000 ca (chủ yếu trong khu cách ly do trở về từ vùng dịch). Tình hình kiểm soát dịch bệnh của địa phương vẫn tốt như hiện nay, thì dự báo tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 sẽ đạt khoảng 8,5-9%. 

Trong đó ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,5-5%; ngành công nghiệp xây dựng tăng khoảng 12-13%; ngành dịch vụ tăng khoảng 4-4,5% và thuế sản phẩm tăng khoảng 5,0-6%. Đây là phương án kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc năm 2021 khi những chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện giải pháp mạnh mẽ để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế được thực thi hiệu quả.

Phương án 2: Giả định dịch bệnh COVID-19 được Việt Nam khống chế trong quý 4/2021; số ca nhiễm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dưới 1.000 ca (chủ yếu trong khu cách ly do trở về từ vùng dịch), địa phương vẫn kiểm soát dịch bệnh tốt như hiện nay, thì dự báo tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 sẽ đạt khoảng 6,5-7,5%. Trong đó ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4-4,5%; ngành công nghiệp xây dựng tăng khoảng 10-11%; ngành dịch vụ tăng khoảng 1- 3% và thuế sản phẩm tăng khoảng 4-5% so với năm 2020.

Phương án 3: Giả định trường hợp dịch bệnh được cả nước khống chế trong quý 4/2021; ở Vĩnh Phúc số ca nhiễm bệnh dưới 3.000 ca, có lây lan trong cộng đồng và trong các KCN của tỉnh.

Với đặc thù Vĩnh Phúc là địa phương không có nhiều KĐT lớn, việc khoanh vùng và cách ly dập dịch lây lan trong cộng đồng ở các khu vực (huyện, thành phố, xã, phường, khu, điểm dân cư) là có thể kiểm soát trong thời gian ngắn. Nếu dịch bệnh xảy ra trong KCN hoặc trong nhà máy có số lượng công nhân lớn, trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các công ty. 

Đối với tình huống này, trong vòng 1-2 tháng các công ty có nhiều ca nhiễm sẽ phải điều chỉnh lịch sản xuất (bố trí giãn cách trong phân xưởng, sản xuất luân phiên theo ca, bố trí ăn ở tại chỗ cho công nhân…); một số công ty sẽ phải giảm sản lượng sản xuất do nhiều công nhân phải cách ly. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh trong các KCN ở các địa phương như Bắc Giang; Hải Dương, cùng kinh nghiệm chỉ đạo kịp thời quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong thời gian qua; đồng thời với kế hoạch triển khai tiêm vắc xin toàn quốc của Chính phủ phấn đấu hoàn thành cuối năm 2021 đầu năm 2022, thì Vĩnh Phúc tin tưởng hoàn toàn có khả năng kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian ngắn.

Trong tình thế xảy ra như phương án 3 giả định, thì sản lượng công nghiệp sẽ suy giảm trong 6 tháng cuối năm, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không lớn do về lâu dài các doanh nghiệp sẽ có biện pháp thích ứng với tình hình dịch bệnh - nhưng lượng sản xuất vẫn sẽ giảm do số lượng công nhân phải cách ly lớn, bên cạnh đó cầu hàng hóa trong nước giảm, nên sản xuất giảm theo (trừ các doanh nghiệp xuất khẩu); các ngành nông lâm nghiệp thủy sản không bị ảnh hưởng nhiều; ngành dịch vụ do ảnh hưởng dịch bệnh nên vẫn phản áp dụng các biện pháp hạn chế như đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, dịch vụ vận tải, du lịch,… nên dự kiến sẽ có mức tăng trưởng thấp, có khả năng là 0% hoặc thậm chí âm.

Như vậy, với phương án 3, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc năm 2021, tổng sản phẩm (GRDP) so sánh với năm 2020 ước tăng khoảng 3,5-4%. Trong đó, nông lâm nghiệp thủy sản dự kiến tăng 3-4%; công nghiệp xây dựng tăng khoảng 7-8%; dịch vụ tăng 0% (có khả năng âm) và thuế sản phẩm tăng khoảng 2-3%.

Phương án 4: Dự kiến tình huống cả nước chưa khống chế được dịch bệnh trong quý 4/2021; ở Vĩnh Phúc số ca nhiễm vượt trên 3.000 ca, có lây lan rộng trong cộng đồng và trong các KCN của tỉnh. Tình huống dự kiến tại phương án này, khi địa bàn có 3.000 ca nhiễm thì việc lập đỉnh mới về số ca lây nhiễm rất cao. Khi đó, các kịch bản phòng, chống lây lan dịch bệnh đã không còn tính khả thi cao. 

Tình hình sản xuất kinh doanh các lĩnh vực sẽ biến động mạnh, trong đó sản xuất công nghiệp chịu tác động rất mạnh, khi số doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp trong các KCN có ca nhiễm COVID-19 giảm sản lượng sản xuất, hàng hóa ế ẩm, nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu hụt nghiêm trọng; ngành dịch vụ phải đóng cửa; dịch vụ tài chính tín dụng không có đối tượng vay…

Với phương án 4 này, thì dự kiến tăng trưởng GRDP năm 2021 sẽ âm khoảng 1-1,5% so với năm 2020. Trong các ngành kinh tế, chỉ có ngành nông lâm thủy sản có tăng trưởng dương với mức khoảng 3-3,5%, còn lại các ngành công nghiệp xây dựng, dịch vụ đều âm. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng dự kiến âm từ 0-1%; ngành dịch vụ âm khoảng 3,5-4%. Thuế sản phẩm dự kiến âm khoảng 1,5-2% so với năm 2020.

Đức Nam
Ý kiến của bạn