Vĩnh Phúc: Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động lại từ 0h ngày 17/6

Sự kiện
03:38 PM 17/06/2021

Chiều ngày 16/6/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định 1574/QĐ-UBND về một số biện pháp phòng, chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Căn cứ tình hình tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định nới lỏng một số cơ sở kinh doanh. Cụ thể, từ 0h ngày 17/6/2021, tỉnh chỉ đạo không tập trung quá 20 người tại khu vực công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. Bắt buộc thực hiện nghiêm theo quy định 5K của Bộ Y tế.

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại nhưng phải chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và phải thực hiện một số điều kiện.

Vĩnh Phúc: Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động lại từ 0h ngày 17/6 - Ảnh 1.

Từ 0h ngày 17/6/2021 một số cơ sở kinh doanh được phép hoạt động trở lại.

Cụ thể, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cơ sở kinh doanh phải xây dựng Phương án phòng, chống dịch COVID-19 chi tiết, hiệu quả; phải ký cam kết với chính quyền về việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 theo đúng quy định. Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cơ sở kinh doanh phải kiểm soát, đo thân nhiệt 100% lượng khách vào; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát người ra vào và thực hiện sử dụng các ứng dụng khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần theo hướng dẫn tại Văn bản số 4429/UBND-VX3 ngày 08/6/2021 của UBND tỉnh.

Xe buýt, taxi hoạt động trong nội tỉnh chỉ được phép sử dụng 50% số ghế ngồi và phải có sổ ghi chép lịch trình của hành khách. Đối với việc đưa đón công nhân, các phương tiện được đưa, đón người lao động từ các tỉnh không có dịch khi đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định.

Tại các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, các sân golf, sân tập golf không đón, không phục vụ khách ngoại tỉnh. Các sân golf chỉ được phép phục vụ không quá 50% công suất. Riêng các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Quyết định số 1574/QĐ-UBND cũng giao UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức: Nguy cơ rất cao; Nguy cơ cao; Nguy cơ; Bình thường mới cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/05/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện việc kiểm tra, giám sát thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý. Dừng ngay hoạt động của các tổ chức, cá nhân nếu không tuân thủ các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch bệnh.

"Trên cơ sở kết quả đánh giá, UBND cấp huyện chủ động quyết định các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn mình quản lý, phù hợp với tình hình thực tế, theo đúng thẩm quyền" Quyết định cũng nêu rõ.

Quang Dũng
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.