Vĩnh Phúc: Cần làm rõ tính pháp lý vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Chấn Hưng
Năm 1956, gia đình cụ Nguyễn Văn Tuyết ở thôn Xuôi, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được Nông hội chia cho một thửa đất. Đến năm 1986, cụ chuyển quyền sử dụng phần đất còn lại này cho con gái là bà Nguyễn Thị Hồi và sau đó bà Hồi cho tặng con gái mình là chị Lê Thị Hường tiếp tục sử dụng. Thửa đất đang được gia đình cụ Tuyết sử dụng ổn định, lâu dài hơn 50 năm qua nhiều đời con, cháu thì nay bị các cấp chính quyền ở đây ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi vì cho đây là “đất giao thông”.
Từ năm 1956, gia đình cụ Nguyễn Văn Tuyết ở thôn Xuôi, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) được Nông hội chia cho một thửa đất. Đến năm 1980, cụ Tuyết cùng bà con ở đây bảo nhau cùng hiến một phần thửa đất để mở rộng đường liên xã, liên huyện. Nhân cơ hội này, cụ Tuyết chia số đất còn lại ra làm 2 phần, một phần cụ cho các con sử dụng, phần còn lại cụ tiếp tục sử dụng.
Đến năm 1986, cụ chuyển quyền sử dụng phần đất còn lại này cho con gái là bà Nguyễn Thị Hồi và sau đó bà Hồi cho tặng con gái mình là chị Lê Thị Hường tiếp tục sử dụng. Sau khi nhận được được đất do bà Nguyễn Thị Hồi cho tặng, năm 2006, chị Lê Thị Hường đã xây một căn nhà cấp 4 để ở và kinh doanh bán hàng. Thửa đất đang được gia đình cụ Tuyết sử dụng ổn định, lâu dài hơn 50 năm qua nhiều đời con, cháu thì nay bị các cấp chính quyền ở đây ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi vì họ cho đây là "đất giao thông".
Đó là Quyết định số 5897/QĐ- KPHQ ngày 18/9/2018 UBND của UBND huyện Vĩnh Tường về việc "Khắc phục hậu quả tháo dỡ toàn bộ công trình trái phép, buộc gia đình chị Lê Thị Hường khôi phục tình trạng đất trước khi vi phạm" (trước đó UBND xã Chấn Hưng đã ra văn bản buộc chị Hường khắc phục hậu quả nhưng vì đó là văn bản ban hành trái thẩm quyền nên đã bị UBND huyện Vĩnh Tường ra quyết định thu hồi). Căn cứ Quyết định này, UBND xã Chấn Hưng đã tiến hành cưỡng chế phá dỡ toàn bộ ngôi nhà chị Hường. Trước khi bình luận về tính pháp lý của quyết đinh này, người viết xin được đề cập đến nguồn cơn của vụ việc như sau:
Năm 2018, vợ chồng hàng xóm phía sau nhà chị Hường là ông Lê Quang Toàn và bà Ngô Thị Minh sang gặp chị xin "đi nhờ" qua đất nhà chị, ra đường liên huyện. Sau khi không được chị Hường chấp thuận, họ làm đơn gửi UBND xã Chấn Hưng đề nghị can thiệp buộc chị Hường cho mở đường. Sóng gió bắt đầu đến với gia đình chị Hường từ đó.
Trở lại với Quyết định nói trên, có thể nói rằng đây là một văn bản chưa có đủ căn cứ pháp luật. Căn nhà cấp 4 của gia đình chị Hường (xem ảnh) được xây dựng từ năm 2006. Sự hiện diện của căn nhà còn được dân làng nhiều người biết và xác nhận (xem bản chụp đăng kèm). Trong quá trình xây dựng công trình này trên đất hợp pháp do cha ông để lại, chị Hường không bị bất cứ một cơ quan chức năng nào can thiệp xử lý vi phạm gì hoặc đình chỉ thi công. Bây giờ vì mục đích nào đó, ai muốn khẳng định rằng: Đất của chị Hường (cháu cụ Tuyết) đang sử dụng là đường giao thông thì chị Hường cũng có thể khẳng định rằng: Toàn bộ đất mà người dân đang sử dụng dọc hai bên đường trục chính đi Yên Lạc (từ ngã ba Kiệu vào) cũng đều là đất giao thông và cùng lúc đều phải bị Nhà nước thu hồi.
Nếu cho rằng đất chị Hường sử dụng không nộp thuế thì liệu trong số các hộ dân sử dụng đất tương tự chị Hường, từ ngã ba Kiệu đến đây, có ai đã nộp nộp thuế sử dụng đất? Theo chị Hường, gia đình chị đã nhiều lần đề nghị UBND xã Chấn Hưng làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho chị thì đều được trả lời do diện tích mảnh đất này nhỏ (khoảng 40m2), không giải quyết được nên gia đình không thuộc trường hợp phải nộp thuế theo quy định.
Chị Hường xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng của mình, do cụ Tuyết để lại, đến nay đã hơn 50 năm. Chị không lấn chiếm đất đai của ai. Vậy, căn cứ vào đâu, các cấp chính quyền ở đây lại khẳng định: Chị Hường đã xây dựng trên đất giao thông? Tại sao khi được hỏi về bản đồ, tài liệu lưu trữ ở xã, cụ thể là tài liệu về việc làm đường năm 1980 cắt đôi thửa đất nhà cụ Tuyết, thì tất cả các cán bộ chính quyền từ xã đến huyện ở đây đều trả lời chị Hường cũng như luật sư của chị rằng họ không biết, không nắm rõ?
Mặt khác, khi ban hành quyết định số 5897/QĐ-KPHQ ngày 18/9/2018 và các văn bản liên quan, chị Hường đang đi làm ăn xa ở xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên (có giấy xác nhận của Chính quyền xã Mường Mươn), UBND các cấp ở đây không tống đạt cho gia đình chị Hường được biết, và thực hiện. Đây là hành vi trái với các quy định của Pháp luật. Theo chị Hường trình bày, tất cả tài sản hợp pháp của gia đình chị bao gồm: Vô tuyến, tiền, hòm tủ, xe đạp, chăn màn, vật liệu gạch, ngói, tôn lợp, lưới B40 cùng các đồ dùng kinh doanh biến đi đâu đến nay chị vẫn không được biết.
Chị Hường đã nhiều lần gửi đơn đề nghị được làm rõ nguồn gốc đất của gia đình mình, đơn tố giác tội phạm đối với vợ chồng ông Lê Quang Toàn đã hủy hoại tài sản, và đơn yêu cầu trả lại tài sản bị thu giữ sau khi cưỡng chế đến các cấp chính quyền ở đây nhưng đến nay vẫn không được giải quyết. Vậy mà khi trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND xã Chấn Hưng Nguyễn Văn Thắng vẫn thản nhiên cho rằng "Chị Hường không chứng minh được nguồn gốc đất; việc này đã được UBND xã, huyện, tỉnh giải quyết rồi".
Để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan có thẩm quyền làm rõ việc cưỡng chế nói trên đối với gia đình nhà chị Lê Thị Hường xem có thực sự khách quan, công tâm và đúng quy định của pháp luật hay không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
"Đất của cụ Nguyễn Văn Tuyết được nhà nước chia từ năm 1956, khi chưa có con đường liên huyện, liên xã Từ Chấn Hưng đi Đồng Văn. Việc này được các cụ cao niên sống lâu năm và được hàng xóm xung quanh xác nhận chủ quyền và không tranh chấp cả về nguồn gốc và ranh giới thửa đất với ai, kể cả với chủ sử dụng trước của thửa đất mà vợ chồng ông Toàn Minh mua là gia đình ông bà Niêm Điền. Điều này cho thấy: UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường, UBND xã Chấn Hưng chưa xem xét khách quan về nguồn gốc thửa đất khi ban hành các quyết định thu hồi đất. Đất được cụ Tuyết chia cho các con, cháu sử dụng liên tục không tranh chấp từ 67 năm nay. Việc các cấp chính quyền ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Sự hiện diện căn nhà cấp 4 của chị Hường là cản trở lối đi và trên đất hành lang giao thông như vậy là sai với quy định của pháp luật. Bởi theo Luật Giao thông đường bộ, nếu đất hai bên đường là hành lang giao thông đường bộ mà nhà nước chưa thu hồi thì người dân vẫn được sử dụng nhưng không được xây nhà cao tầng kiên cố hoặc trồng cây gây cản trở việc lưu thông. Gia đình chị Hường nối tiếp cụ Tuyết sử dụng đất liên tục xây nhà tạm từ năm 2006 với kết cấu nhà tạm mái tôn không kiến cố trong khuôn viên đất không lấn chiếm, không gây ảnh hưởng đến việc lưu thông đường bộ tuyến đường liên xã này. Do đó, nhận định rằng: Chị Hường "Xây dựng trái phép - Ảnh hưởng đường đi chung" là không khách quan, trái pháp luật. Bởi công trình nhà tạm của chị Hường không cản trở việc lưu thông trên tuyến đường liên xã này và việc xây dựng công trình nhà tạm để chứa đồ không cần phải xin phép. Việc lập văn bản vi phạm hành chính năm 2016 là không đúng quy định, không tống đạt văn bản xử lý vi phạm hành chính cũng như không tống đạt văn bản xử phạm vi phạm hành chính và khắc phục hậu quả, đặc biệt không tống đạt văn bản cưỡng chế trước khi thực hiện cưỡng chế của UBND huyện Vĩnh Tường là không đúng pháp luật".
Luật sư Nguyễn Ngọc Tấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.