Vĩnh Phúc: Cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương cần sớm đưa vào hoạt động
Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Minh Phương (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) ưu tiên khuyến khích thu hút đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề cơ sở sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể như sản xuất VLXD, sản xuất chế biến gỗ và mộc dân dụng, sản xuất chất phế liệu, điện tử, cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Các ngành nghề này khi đi vào hoạt động sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn theo hướng tập trung đưa các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào CCN, tách rời khu dân cư.
Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương là dự án nhà nước thu hồi đất và đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 1081/QĐ - UBND ngày 7/4/2017 về việc thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng CCN Minh Phương.
Theo quyết định này, CCN làng nghề Minh Phương do Công ty TNHH Thương mại Kết Hiền làm chủ đầu tư, với tổng diện tích 33,3ha, trong đó có 14,07ha thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc và 19,3ha thuộc địa phận xã Nguyệt Đức. Xác định được vai trò quan trọng đó, thời gian qua, UBND huyện Yên Lạc đã chỉ đạo Ban Bồi thường và GPMB huyện Yên Lạc, UBND xã Nguyệt Đức và thị trấn Yên Lạc tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác đền bù, GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu triển khai dự án.
Dự án CCN làng nghề Minh Phương thuộc danh mục dự án Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013. Chính sách bồi thường, hỗ trợ để thực hiện GPMB dự án được thực hiện theo đúng quy định của nhà nước và có căn cứ pháp lý đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, Chủ đầu tư đã gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đền bù và giải phóng mặt bằng nên việc triển khai dự án bị chững lại.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng ban Ban bồi thường giải phóng mặt bằng và phát triển quỹ đất huyện Yên Lạc, cho biết: Hiện nay, việc bồi thường GPMB để thực hiện phần diện tích còn lại của CCN làng nghề Minh Phương gặp khó khăn. Nguyên do bởi một số hộ không đồng ý với giá bồi thường hỗ trợ tái định cư của Nhà nước, đòi bồi thường theo giá thỏa thuận. Một số trường hợp đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi có chủ trương thông báo thu hồi đất, gây khó khăn trong công tác GPMB.
Đối với những kiến nghị còn băn khoăn, vướng mắc của người dân, ông Phạm Văn Hùng nêu rõ: Về việc thực hiện bồi thường GPMB, UBND huyện Yên Lạc thực hiện đúng theo quy trình, quy định của nhà nước. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các phòng ban liên quan tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc, tổ chức, đoàn thể địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phối hợp thực hiện, phối hợp kiểm đếm theo quy định.
Hiện nay, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo huyện Yên Lạc đẩy nhanh thực hiện CCN làng nghề Minh Phương vì sự phát triển kinh tế chung của tỉnh và huyện. Quan điểm của tỉnh Vĩnh Phúc là sẽ tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng CCN làng nghề Minh Phương theo đúng quy định, trên tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
PVTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.