Vĩnh Phúc: Điểm đến đầu tư an toàn và tiềm năng
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, thông điệp này được Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh tại hội thảo xúc tiến đầu tư Hàn Quốc tổ chức chiều 18/11 càng khẳng định rõ hơn sức hấp dẫn, tiềm năng, sự ổn định và an toàn của môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc
Hội thảo do UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức.
Điểm đến an toàn
Dự hội thảo có ngài Park Noh Wan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức kinh tế, thương mại, giáo dục, du lịch, các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc và trên 300 doanh nghiệp FDI, DDI đang đầu tư tại tỉnh.
Về phía tỉnh có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định vị thế, tiềm năng chiến lược của tỉnh và nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid 19 nhưng kinh tế Vĩnh Phúc vẫn ổn định, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 ước tăng 0,69% so với năm 2019. Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua.
Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, Vĩnh Phúc đã xác lập vững vàng trạng thái bình thường mới, hiện thực hóa thành công "mục tiêu kép", vừa giữ vững địa bàn an toàn, điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp; vừa đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, lấy lại đà tăng trưởng...
Đồng thời tỉnh luôn ưu tiên thu hút đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào những lĩnh vực xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) kiểu mẫu dành cho nhà đầu tư Hàn Quốc, các dự án chế biến, chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện thiết bị điện tử, ô-tô, công nghiệp y dược, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa...
Đối với Vĩnh Phúc, Hàn Quốc luôn là thị trường tiềm năng, trọng điểm để kêu gọi, thúc đẩy thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là vào những lĩnh vực như xây dựng hạ tầng khu công nghiệp kiểu mẫu, các dự án chế biến chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nhiên liệu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện thiết bị điện tử... trong các KCN trên địa bàn.
Với tiềm năng sẵn có, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành chức năng, Vĩnh Phúc đã trở thành là một trong những địa phương có lợi thế so sánh cạnh tranh nhất Việt Nam. Một trong những yếu tố quyết định làm nên lợi thế của tỉnh chính là sự chuyển động mạnh trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch; xây dựng văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và lắng nghe tiếng nói của nhà đầu tư doanh nghiệp; đồng thời tăng cường giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp tỉnh được cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao, trong đó có những nhà đầu tư Hàn Quốc đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Với phương châm "Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh", Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Tỉnh Vĩnh Phúc xác định quy hoạch phải đi trước một bước để đảm bảo phát triển bền vững nên đã lựa chọn những đơn vị tư vấn hàng đầu trên thế giới để lập quy hoạch chiến lược phát triển đô thị và các lĩnh vực khác. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch tổng số 50 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 5.900 ha có vị trí nằm dọc các trục quốc lộ, tỉnh lộ thuận lợi về giao thông; trong đó, có 18 khu công nghiệp có diện tích trên 5.200 ha và 32 cụm công nghiệp có diện tích trên 600 ha.
Với tăng trưởng bình quân hàng năm lên tới 13,7%, luôn đứng ở vị trí hàng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc trở thành điểm đến của các nhà đầu tư lớn từ nhiều quốc gia.
Ước tính đến hết năm 2020, tỉnh thu hút được 1.215 dự án đầu tư, trong đó 803 dự án DDI với tổng số vốn trên 98 nghìn tỷ đồng (khoảng trên 4,2 tỷ USD) và 414 dự án FDI đến từ 19 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 6,165 tỷ USD. Trong đó Hàn Quốc có số lượng dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư lớn nhất (213 dự án với tổng vốn đầu tư 2,37 tỷ USD). Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đã đầu tư vào Vĩnh Phúc như: Deawoo; Patron Vina, Heasung Vina, Cammsys, Jahwa, Sindoh, Shinwon, Vina Korea… Điều này thể hiện sự tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc đối với môi trường và cơ hội đầu tư ở Vĩnh Phúc.
Phát huy tiềm năng thế mạnh, thu hút đầu tư
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, để Vĩnh Phúc sớm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện tốt các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, có cơ chế chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư; tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư, các hội thảo về xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư tại Hàn Quốc và các thị trường tiềm năng.
Với các lợi thế từ vị trí địa lý, tự nhiên, kinh tế xã hội đến những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất, tỉnh Vĩnh Phúc hi vọng sẽ thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc triển khai dự án tại Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc luôn xác định, Hàn Quốc là thị trường tiềm năng, trọng điểm để kêu gọi, thúc đẩy thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là vào những lĩnh vực tỉnh đang kêu gọi đầu tư như xây dựng hạ tầng khu công nghiệp kiểu mẫu chuyên thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc, các dự án chế biến chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nhiên liệu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện thiết bị điện tử.
Địa phương cam kết nỗ lực không ngừng, tạo lập môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ đón đội ngũ chuyên gia, doanh nhân, đội ngũ kỹ sư chất lượng cao đến và đi, nhằm tái thiết nền kinh tế đang chịu tác động của dịch, thực hiện mục tiêu kép "vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội". Đồng thời, tỉnh tăng cường giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá cao; trong đó có những nhà đầu tư Hàn Quốc đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trong khuôn khổ Hội thảo, diễn ra Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa KCCI và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc; Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Vietcombank và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc. Hai bên sẽ cùng hỗ trợ nhau khi tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh tại Vĩnh Phúc.
Đức NamBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.