Vĩnh Phúc: Kinh tế xã hội tăng trưởng cao trong 9 tháng
Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của tỉnh đã hồi phục rất khả quan, tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tăng khá, các chế độ, chính sách xã hội, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Theo đó, trong 9 tháng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 9%, cao hơn bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 25.013 tỷ đồng, tăng 4,66% so với cùng kỳ, bằng 78,43% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 20.250 tỷ đồng, tăng 0,84%, chủ yếu tăng ở khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (đạt 14.280 tỷ đồng, chiếm 70,52% thu nội địa) tăng 7,47% so với cùng kỳ năm trước. So với dự toán giao đầu năm, tính đến nay, các khoản thu về nhà, đất là nguồn thu vượt mức dự toán lớn nhất (đạt 2.828 tỷ đồng), vượt 64,11%. Thu hải quan đạt 4.742 tỷ đồng, tăng 33,72% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư công, trong 9 tháng đầu năm cấp tỉnh đã phân khai chi tiết với tống số tiền là 3.952,272 tỷ đồng, đạt 100%. Công tác chuẩn bị đầu tư được triển khai theo quy định, trong 9 tháng đầu năm 2022, cấp tỉnh đã thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 30 dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư 26 dự án (trong đó có 1 dự án trọng điểm) và phê duyệt 48 dự án đầu tư (trong đó có 2 dự án trọng điểm). Cấp huyện, xã đã thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 231 dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư 210 dự án và phê duyệt 191 dự án đầu tư do cấp huyện, xã quản lý. Công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng được Vĩnh Phúc quyết liệt triển khai thực hiện.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 15,06% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2019 trở lại đây, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn phục hồi mạnh mẽ trở lại như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,22%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,64%.
Về lĩnh vực giáo dục, năm 2022, Vĩnh Phúc có 62 học sinh đạt giải với 8 giải nhất, 18 giải nhì, 15 giải ba, 21 giải khuyến khích, đứng vị trí thứ 3 cả nước về số lượng giải nhất của kỳ thi và có hai em học sinh dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và dự thi Olympic Vật Lý châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2022.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đặc biệt, hoạt động đầu tư công, tín dụng, ngân hàng, xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo, tạo đà quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Đối với lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội cho người dân, 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 14.295 người (đạt 84,1% kế hoạch), trong đó: Giải quyết việc làm trong nước 13.876 người; đưa 419 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Về lĩnh vực y tế, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp.
Tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, có biện pháp điều hành bình ổn giá phù hợp… Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương đã giải phóng mặt bằng được 2.066,1ha, đạt 74,41% kế hoạch.
Du lịch Vĩnh Phúc được phục hồi nhanh, tổng số lượt khách tham quan du lịch ước đạt 6.585.000 lượt (riêng quý III đạt 2.380.000 lượt khách), tăng 300% so với cùng kỳ năm trước và đạt 82% kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch ước 9 tháng đạt 2.682 tỷ đồng.
Để đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, từ nay đến cuối năm, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Tăng cường đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội
Thu HườngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.