Vĩnh Phúc: Lọt top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước

Địa phương
05:03 PM 02/12/2022

Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 tỉnh này tăng 9,54% so với năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay và cao hơn bình quân của cả nước.

Chiều 2/12, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức họp báo thường kỳ quý, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công bố giải thưởng du lịch "Tam Đảo - Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới".

Chủ trì buổi họp báo có các ông: Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Bá Hiến - Giám đốc Sở TT&TT Vĩnh Phúc; ông Bùi Hồng Đô - Giám đốc Sở VHTT&DL; ông Ngô Duy Đông - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Đinh Văn Mười - Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương.

Vĩnh Phúc: Lọt top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và kế hoạch năm 2023.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh 2010 năm 2022 ước tăng 9,54% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn so với mức tăng bình quân chung cả nước (ước tăng 8%) và cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8,0-9,0%); đưa tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt gần 9%/năm (nằm trong top 10 địa phương có tăng trưởng cao nhất cả nước).

Vĩnh Phúc: Lọt top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước - Ảnh 2.

Ông Vũ Việt Văn - UVBTTTU, PCT thường trực UBND tỉnh phát biểu và chỉ đạo cuộc họp.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp ‑ xây dựng chiếm khoảng 64,22%, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 29,2% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,58% (năm 2021 lần lượt là: 62,82%, 29,43% và 7,76%). GRDP bình quân/người ước đạt khoảng 127,8 triệu đồng/người/năm; tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.700 tỷ đồng, bằng 111,94% dự toán, tăng 8,5% so với năm 2021, trong đó: Thu nội địa ước đạt 30.000 tỷ đồng, đạt 109,98% dự toán và tăng 6,2% so với cùng kỳ, thu xuất nhập khẩu ước đạt 5.700 tỷ đồng, đạt 123,5% so với dự toán, tăng 22,1% so với cùng kỳ; trong cơ cấu các khoản thu nội địa, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 101,7% dự toán và tăng 17,2% so với năm 2021; hầu hết các khoản thu khác đều đạt và vượt dự toán...

Năm 2022, toàn tỉnh thu hút được 453 triệu USD vốn FDI, bằng 100,6% kế hoạch năm; về thu hút vốn FDI toàn tỉnh dự kiến thu hút đạt 12.500 tỷ đồng, bằng 57% so với cùng kỳ năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.286 dự án, trong đó: 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 125.000 tỷ đồng.

Sản xuất công nghiệp năm 2022 có nhiều khởi sắc do tình hình dịch trên địa bàn đã được kiểm soát tốt từ quý II; tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước tăng khoảng 15,5%, riêng ngành chế biến, chế tạo ước tăng 15,6% so với năm 2021.

Về lĩnh vực du lịch, tổng số lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước đạt 8,2 triệu lượt, tăng hơn 4 lần so với năm 2021, trong đó khách quốc tế khoảng 73,5 nghìn lượt, khách nội địa khoảng 8,13 triệu lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt 3.282 tỷ đồng, tăng 2 so với năm 2021.

Về lĩnh vực giáo dục năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt nhiều kết quả cao tại các cuộc thi quốc gia và Olympic. Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp THPT tổ chức thành công với 8 giải nhất, 18 giải nhì, 15 giải ba, 21 giải khuyến khích, tỷ lệ đạt giải là 67,4%, đứng thứ ba cả nước; đặc biệt tỉnh có 2 học sinh đạt huy chương đồng tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) và kỳ thi Olympic Vật Lý châu Á - Thái Bình Dương (APhO) năm 2022. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2022, điểm trung bình các môn thi của tỉnh xếp thứ 2 toàn quốc, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,97%, cao nhất từ trước đến nay.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo, an ninh xã hội được đặc biệt quan tâm. Đã tổ chức được 21 phiên giao dịch việc làm, có 180 doanh nghiệp đăng ký tham gia và đã sơ tuyển được 1.263 người; ước cả năm 2022 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 19.730 lao động, bằng 116,1% so với kế hoạch và tăng 4% so với năm 2021; ước tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2022 giảm còn 1,08% (giảm 0,43 điểm % so với năm 2021).

Thu Hường
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.